Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã mở ra triển vọng mới cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) trở thành cảng trung chuyển quốc tế lớn.
Xếp dỡ hàng container tại Cảng TCIT |
Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế lớn
CM-TV đã được Chính phủ phê duyệt là 1 trong 2 cảng đặc biệt trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Với việc trở thành nhóm cảng biển đặc biệt, các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải sẽ được ưu tiên đầu tư, gồm: nâng cấp tuyến luồng CM-TV phục vụ tàu đến 200 ngàn tấn; đáp ứng thông quan lượng hàng hóa từ 1,1-1,4 tỷ tấn, trong đó, hàng container từ 38 - 47 triệu TEU.
Dù được quy hoạch với vai trò, vị thế quan trọng, song CM-TV chưa có cơ chế đặc biệt để phát triển như kỳ vọng của các nhà đầu tư, khách hàng. Do đó, Nghị quyết 24 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho CM-TV khi đã đề cập đến việc thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng. Đặc biệt là định hướng hình thành khu thương mại tự do, gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Nghị quyết 24 đã đề ra các giải pháp như đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cụm cảng CM-TV. Đồng thời cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thủy nội địa; hình thành các cụm cảng phục vụ nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng; tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tập trung xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, dự kiến khởi công tháng 4/2023 (đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài 19,3km), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Tuyến đường kết nối 5 tỉnh, thành gồm TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh dài 18km kết nối cảng Cái Mép đến phía Đông sân bay Long Thành cũng dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tuyến đường kết nối vùng tiếp theo là tuyến liên cảng, kết nối cụm cảng Cái Mép với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ngoài ra, tỉnh đang chuẩn bị khởi công cầu Phước An, nỗ lực hoàn thành vào năm 2025, kết nối với tỉnh Đồng Nai và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Những dự án giao thông kết nối chính là lực đẩy để CM-TV phát huy tiềm năng, thế mạnh để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Bãi tập kết hàng hóa tại Cảng TCCT. |
Quy hoạch lại tuyến bến
Các chuyên gia cảng biển cho rằng, Nghị quyết 24 có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt là vấn đề phát triển cảng biển, logistics. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội đó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nội lực của địa phương cũng như của Trung ương.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast) dự báo, đến năm 2030 lượng hàng hóa về CM-TV sẽ đứng đầu khu vực phía Nam. Hàng hóa đi từ CM-TV rất thuận lợi. Hệ thống cảng trong cụm có thể tiếp nhận được các tàu lớn không cần trung chuyển qua Singapore hay Hong Kong, từ đây có thể đi trực tiếp đi châu Âu hay Mỹ.
Do đó việc đầu tư mạnh mẽ cho khu vực này không chỉ phát triển cho Bà Rịa-Vũng Tàu mà cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các chuyên gia cho rằng, để phát triển hệ thống cảng nước sâu CM-TV nhanh chóng trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới kết nối hàng hải toàn cầu, vươn tầm xứng đáng trở thành một trong những cụm cảng trọng điểm quốc gia xứng tầm thế giới, Chính phủ, Bộ GT-VT cần xem xét, quy hoạch hệ thống cảng trong khu vực.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung để giải phóng hàng hóa nhanh chóng ra khỏi cảng xếp dỡ, trung chuyển, nhằm tăng khả năng tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.
Toàn cảnh cảng CMIT - một trong những cảng container tiên phong trong việc đón tàu trọng tải trên 200 ngàn tấn tại Cái Mép-Thị Vải. |
Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích các DN cảng biển nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, bảo đảm nguồn lực để tăng cường đầu tư và tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa hệ thống cảng biển quốc gia. Trước mắt, kịp thời điều chỉnh giá bốc xếp container cho hàng xuất nhập khẩu tại CM-TV ngang bằng với khu vực. Hiện nay, giá bốc xếp container 20 feed ở mức 52 USD là rất thấp, chỉ bằng 50% khu vực, trong khi mức đầu tư tương đồng với các nước.
Ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch HĐQT Cảng Gemalink cho rằng, cơ chế, chính sách thuận lợi được áp dụng sẽ thuyết phục được các hãng tàu đưa thêm tàu và hàng trung chuyển quốc tế về CM -TV, giúp cho CM-TV nhanh chóng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực.
Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) đề nghị cần có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các cảng cạn container rỗng, bãi tập kết hàng hóa, phương tiện để tránh tình trạng container hàng thì giao nhận tại Cái Mép, container rỗng thì giao nhận tại khu vực TP.Hồ Chí Minh như hiện nay. Ngoài ra, sớm nghiên cứu triển khai mô hình khu phi thuế quan (free trade zone) tại CM-TV. Đây là cơ sở bền vững để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khai thác cảng nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói chung.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 69 dự án cảng biển, trong đó khu vực CM-TV có 35 cảng. Đến thời điểm này, đã có 48 cảng được đưa vào khai thác, với tổng công suất khoảng 141,5 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến khoảng 14km (riêng khu vực CM-TV có chiều dài bến khoảng 12km với tổng công suất 130 triệu tấn/năm). Theo đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụm cảng CM-TV được quy hoạch là khu cảng cửa ngõ, đảm nhận chức năng trung chuyển quốc tế, là một trong 2 khu bến cảng cửa ngõ loại đặc biệt của Việt Nam (cùng với khu bến Lạch Huyện, Hải Phòng) được Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển. |