Chủ động biện pháp phòng vệ thương mại

Thứ Ba, 18/10/2022, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là ý kiến của ông Chu Thắng Trung, Phó cục Trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) tại hội thảo “Đánh giá các quy định pháp luật phòng vệ thương mại trong Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn hiện hành” do Cục Phòng vệ thương mại phối hợp Sở Công thương tổ chức ngày 18/10.

Chủ động tiếp cận và nắm vững thông tin, kiến thức cơ bản sẽ giúp DN có nhiều lợi thế trong phòng vệ thương mại. Trong ảnh: Sản xuất thép tấm lá xuất khẩu tại Công ty CP Thương mại và sản xuất tôn Tân Phước Khanh (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ).
Chủ động tiếp cận và nắm vững thông tin, kiến thức cơ bản sẽ giúp DN có nhiều lợi thế trong phòng vệ thương mại. Trong ảnh: Sản xuất thép tấm lá xuất khẩu tại Công ty CP Thương mại và sản xuất tôn Tân Phước Khanh (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ).

Xuất khẩu trở thành động lực quan trọng

Tại hội thảo, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, với lợi thế đã ký kết và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020.

Năm 2021, dù đối diện và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Theo ông Chu Thắng Trung, xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các DN Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Mặc dù WTO và các FTA đều hướng đến mục tiêu dỡ bỏ rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển, nhưng các khuôn khổ này vẫn cho phép nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu. Trong số đó, biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ được sử dụng nhiều nhất.

“Công tác phòng vệ thương mại đã được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng vệ thương mại, triển khai các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại; tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm; đẩy mạnh công tác thực thi, sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu…”, ông Chu Thắng Trung nói.

Nắm vững quy định

Các FTA tuy mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh với những ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình. Do đó, DN xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô năm 2021 tăng 15,32% so với năm 2020, tương đương hơn 5,8 tỷ USD. 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô đạt hơn 4,36  tỷ USD, tăng 11,73% so với cùng kỳ, vượt tốc độ tăng trưởng so với kế hoạch đề ra đầu năm 2022 là 8,42%. Tỉnh đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô năm 2022 hơn 6,36 tỷ USD, tăng 8,42% so với năm 2021.

Phó cục Trưởng Cục Phòng vệ thương mại thông tin thêm, thời gian tới, khả năng, rủi ro DN xuất khẩu phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại cũng tăng lên và sẽ mở rộng ra nhiều mặt hàng khác như hóa chất, gạch men...

Đơn cử, trong lĩnh vực hóa chất, Bà Rịa-Vũng Tàu có thế mạnh về hóa chất dùng cho dầu khí và hiện đang xây dựng Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam. Các sản phẩm sau hóa dầu của dự án này như chất dẻo sẽ là đối tượng có nguy cơ đối mặt với biện pháp phòng vệ thương mại. Để xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại, DN có vai trò rất quan trọng vì DN là đối tượng chính mà các biện pháp phòng vệ thương mại nhắm đến. Do vậy, DN phải chủ động, tích cực tiếp cận để nắm bắt những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại. Có như vậy, khi có cuộc điều tra về phòng vệ thương mại DN không bị động và có thể có biện pháp xử lý kịp thời.

“Để tiếp tục ứng phó hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian tới, chúng tôi luôn khuyến nghị DN và các ngành sản xuất nâng cao giá trị hàng hóa theo cả chiều rộng và chiều sâu, như tăng năng lực khai thác, sản xuất, nguyên liệu đầu vào, hướng tới sản xuất các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao. Chỉ với định hướng này, ngành sản xuất mới có thể phát triển bền vững, giảm thiểu được nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu”, ông Chu Thắng Trung khuyến cáo.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;
.