NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO CHƯA NHƯ KỲ VỌNG - Kỳ 2: Tạo sức hút đầu tư, từ đâu?

Thứ Tư, 21/09/2022, 20:22 [GMT+7]
In bài này
.

Quỹ đất, cơ chế thông thoáng, chính sách cụ thể... là các vấn đề cốt lõi mà DN chờ mong, để có thể đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC).

Khó khăn về đất đai, nguồn vốn, nhân lực trở thành rào cản khiến NNUDCNC khó bứt phá. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà chuồng lạnh công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam toàn cầu.
Khó khăn về đất đai, nguồn vốn, nhân lực trở thành rào cản khiến NNUDCNC khó bứt phá. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà chuồng lạnh công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam toàn cầu.

Quỹ đất mới chỉ có trên quy hoạch

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho rằng, rào cản lớn nhất trong phát triển NNUDCNC là quỹ đất. Ông Thành thông tin về tình hình sản xuất: Công ty TNHH TM-DV Ca cao Thành Đạt có các đối tác thương mại lớn, có thể xuất khẩu khoảng 5.000 tấn hạt ca cao/năm, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 300-400 tấn. Do đó, DN phải từ chối nhiều đơn hàng. Nguyên nhân là do vùng nguyên liệu trồng cây ca cao thiếu tính tập trung, chủ yếu là liên kết từ các hộ trồng nhỏ lẻ. DN muốn phát triển thành vùng nguyên liệu rất khó.  

Cũng nêu khó khăn về quỹ đất, ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP. Bà Rịa) thông tin, với 4 năm nuôi tôm công nghệ cao, năng suất đạt 50-60 tấn/vụ/3 fam nuôi (150 - 180 tấn/năm), doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 15-20 tỷ đồng, lợi nhuận trên 8 tỷ đồng/năm. Mô hình đã thực sự khắc phục được những hạn chế khi nuôi tôm truyền thống. Với những thế mạnh mà mô hình sản xuất mang lại, HTX muốn mở rộng quy mô thêm 1ha. Song quỹ đất của HTX dù đã làm thủ tục chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản trong nhiều năm qua, vẫn chưa thể thực hiện.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nay, việc thực hiện thu hồi đất để kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất NNUDCNC còn chậm. Hầu hết các vùng NNUDCNC mới chỉ dừng ở bước xác định quỹ đất, chưa đầu tư trên thực tế. Hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, điện còn nhiều bất cập, đồng thời còn thiếu những nhà máy sơ chế biến, đóng gói, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu sản phẩm cho giá trị cao.

Ngoài các khó khăn trên, NNUDCNC vẫn còn gặp nhiều trở ngại khác như thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Các hộ dân, HTX, DN chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các DN khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, tiêu chí xác định chương trình, dự án NNUDCNC còn chung chung, chưa quy định rõ cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên ngân hàng thương mại thiếu căn cứ để xác định cho vay.

Trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ.
Trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ.

Những rào cản cần tháo gỡ

Theo ông Trịnh Văn Thành, để Đề án 04-ĐA/TU thực sự mạng lại bước đột phá, cần tháo gỡ nút thắt về quy hoạch đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp. UBND tỉnh cần xem xét hỗ trợ DNNVV có dự án phát triển khả thi, có tâm huyết trong sản xuất nông nghiệp để lập dự án xúc tiến đầu tư, được hỗ trợ về đất đai để mở rộng vùng nguyên liệu.

“Cần có quỹ đất nhất định để xây dựng một mô hình trình diễn đạt tiêu chuẩn trồng theo công nghệ cao. Từ mô hình này, nông dân sẽ học tập, phát triển dựa theo mô hình chuẩn, tránh manh mún, nhỏ lẻ gây tốn kém, mất thời gian mà hiệu quả không cao”, ông Thành đề xuất.

Về vốn, nhà sản xuất rau an toàn Lâm Trọng Tuấn (TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) cho rằng, sản xuất nông nghiệp mang tính rủi ro cao, trong khi hoạt động tín dụng của ngân hàng lại đặt nặng tính an toàn, khiến DN tư nhân sản xuất nông nghiệp chưa tiếp cận được vốn. Do đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn. “Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất NNCNC tiếp cận các nguồn lực, cần sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu...) trên đất nông nghiệp để DN có cơ sở vay vốn”, ông Tuấn nói.

Còn theo ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức, mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển NNUDCNC, song các địa phương vẫn loay hoay trong việc triển khai. Do đó, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bên canh đó, một số dự án đã được quy hoạch để triển khai NNUDCNC tỉnh cần xem xét, phê duyệt sớm để thực hiện giao đất.

Thu hoạch tôm công nghệ cao tại Liên Giang Farm, xã An Ngãi, huyện Long Điền.
Thu hoạch tôm công nghệ cao tại Liên Giang Farm, xã An Ngãi, huyện Long Điền.

Tận dụng tối đa các cơ chế khuyến khích mới

Nhằm đẩy mạnh phát triển NNUDCNC trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ đồng loạt triển khai nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, tập trung áp dụng các quy định, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Văn Cường, ngoài việc triển khai Nghị quyết đã ban hành, tỉnh sẽ tăng cường chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNUDCNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ CP của Chính phủ; hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới,  phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản; khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển NNUDCNC. Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND. Đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND...

Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp như: đất đai, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hỗ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế cũng được đẩy mạnh thực hiện.

Các địa phương cũng tập trung rà soát các khu đất được quy hoạch, khoanh vùng phát triển NNUDCNC và lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, tạo quỹ đất sạch để tiếp tục kêu gọi DN đầu tư. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất NNUDCNC. Cùng với đó, tỉnh sẽ tổ chức kêu gọi các DN liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng thu nhập cho người dân. 

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Đề án 04-ĐA/TU phát triển NNUDCNC giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025 chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2025, 100% din tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thu hồi để triển khai thực hiện.

 

;
.