Cuối tuần qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng lãi suất điều hành mới, tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4% lên 5%/năm, nhiều ngân hàng thương mại lập tức nâng lãi suất tiết kiệm. Việc tăng mạnh lãi suất đã huy động được lượng tiền gửi tiết kiệm lớn trong dân.
Ngày 27/9, bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank, Chi nhánh Bà Rịa- Vũng Tàu. |
Lãi suất huy động thiết lập mặt bằng mới
Sau gần một tuần kể từ khi NHNN nâng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, ngày 27/9, bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn.
Trong đó, Vietcombank tăng mức cao nhất đến 1% so với trước. Cụ thể, ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động của Vietcombank áp dụng từ 4,1% - 4,4%/năm. VietinBank cũng áp dụng mức lãi 4,1%/năm cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng; 4,4%/năm cho kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, tăng 1%. Tương tự, Agribank cũng điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào. Trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Agribank tăng lãi suất lên 4,4%/năm khi khách gửi từ 3-5 tháng; lãi suất từ 6-11 tháng cao nhất là 4,8%/năm… Các mức lãi suất này tăng từ 0,8 đến 1 % so với trước đó.
Tại BIDV, sau khi điều chỉnh lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,4%/năm, lãi suất đã bằng mức của nhóm “4 ngân hàng lớn”.
Trong khi đó, ngay trong ngày đầu tiên quyết định của NHNN có hiệu lực, biểu lãi suất huy động ngắn hạn ở nhiều kỳ hạn đã được một số ngân hàng tư nhân tăng lên mức tối đa.
Chẳng hạn, SCB nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tăng từ 0,2%/năm lên kịch trần 0,5%/năm. Lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,9%/năm và kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2-5 tháng. ACB nâng lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng lên mức tối đa cho phép là 5%/năm, áp dụng cho gói “Tài Lộc”, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn này là 4%/năm.
Còn tại Eximbank, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng lên mức cao nhất là 0,5%/năm; từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 4,5-4,7%/năm…
Các ngân hàng khác như SHB, Vietcapital Bank, BacABank, VPBank… cũng tăng lãi suất tiền gửi.
Ngoài việc tăng lãi suất huy động ngắn hạn, một số ngân hàng lớn cũng tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn nhằm giữ nguồn vốn với lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 - 18 tháng là 7,8%/năm. Các kỳ hạn 6 - 11 tháng lãi suất lên đến 7,1 - 7,3%/năm.
Như vậy, từ đầu tháng 9 đến nay, đã có hơn chục ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới. Dù lãi suất huy động tăng cao nhưng nhiều chuyên gia vẫn dự báo lãi suất sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm.
Lựa chọn kênh gửi tiết kiệm
Ghi nhận tại các ngân hàng cho thấy, sau khi các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động, nhiều người đã chọn kênh gửi tiết kiệm thay vì những kênh đầu tư khác.
Cách đây hai hôm, chị Phan Thị Thủy, nhà ở hẻm 105 Lê Lợi, TP. Vũng Tàu ra ngân hàng tư nhân để gửi tiết kiệm một khoản tiền kha khá. Chị Thủy cho biết, trước đây, chị cũng hay tiết kiệm bằng cách mua vàng hoặc góp chung với vài người bạn mua bất động sản. Tuy nhiên, gần đây, giá vàng liên tục đi xuống, giá bất động sản cũng đi ngang và đang trầm lắng. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng đang tăng cao, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi. Do đó, chị đã quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng và chọn kỳ hạn 6 tháng vì dễ thay đổi hơn kỳ hạn dài, đồng thời để nghe ngóng thêm thị trường.
Theo quyết định của Thống đốc NHNN, từ ngày 23/9, lãi suất tiền gửi của tổ chức và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đồng loạt tăng lên. Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng thêm 0,3% lên 0,5%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1% lên 5%/năm. Còn mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là 5,5%/năm. |
Thông tin từ NHNN, Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính đến cuối tháng 8/2022, nhiều ngân hàng trên địa bàn có huy động vốn giảm so với tháng trước và so với cuối năm 2021. Nguyên nhân chính là do khách hàng tổ chức/cá nhân chuyển tiền thanh toán các chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư, đóng thuế, chuyển lợi nhuận cho các nhà đầu tư… Tuy nhiên, đến cuối quý 3/2022, nguồn vốn huy động tại các ngân hàng đã tăng trưởng trở lại.
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đạt 171.000 tỷ đồng, tăng 0,52% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm 94.400 tỷ đồng, chiếm 55,21% tổng nguồn huy động. Tiền gửi bằng đồng Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn với 89,3% tổng nguồn vốn huy động, đạt 152.700 tỷ đồng, tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 18.300 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng nguồn vốn huy động.
Bài, ảnh: PHAN HÀ