Sau 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu của Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt được kết quả tích cực. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa bà, sau 2 năm EVFTA có hiệu lực, kết quả xuất nhập khẩu của Bà Rịa-Vũng Tàu sang các thị trường thành viên như thế nào?
- Bà Vũ Bích Hảo: Từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu của DN Bà Rịa-Vũng Tàu tại thị trường châu Âu có sự gia tăng đáng kể, đạt mức từ 0,75 đến 3 lần so với trước đó.
EU chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh nhưng với tiềm năng, lợi thế và định hướng trong thu hút đầu tư, thương mại thì việc thực thi có hiệu quả EVFTA, tỷ trọng xuất nhập khẩu đối với thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của DN tỉnh sẽ có sự thay đổi tích cực trong thời gian tới.
* Sở Công thương và các cơ quan chức năng đã có hướng dẫn, hỗ trợ như thế nào nhằm giúp DN nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA mang lại?
- Sở Công thương - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo về hội nhập quốc tế tỉnh - đã phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin về thị trường các nước tham gia EVFTA, các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định của các bộ, ngành Trung ương bằng nhiều hình thức.
Trong năm 2021, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tìm kiếm và khai thác thị trường xuất nhập khẩu - các công cụ để DN tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại; hướng dẫn các nội dung trong EVFTA, các hiệp định tự do (FTA) thế hệ mới cho DN, quy tắc xuất xứ và tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại. Qua đó giúp CBCCVC, DN hiểu rõ quy định trong các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA để khai thác và tận dụng ưu đãi, cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết trong EVFTA.
* Sau 2 năm EVFTA có hiệu lực, dù gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít rào cản mà DN phải vượt qua. Cụ thể đó là gì, thưa bà?
- Bên cạnh những thuận lợi, các DN cũng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, về khách quan, các diễn biến bất lợi của quốc tế, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giá năng lượng, nhiên liệu đầu vào tăng cao, giá đồng EU thấp kỷ lục, chi phí logistics tăng; biến đổi khí hậu đang diễn ra nặng nề tại châu Âu (hạn hán); thời gian hàng hóa vận chuyển đi châu Âu tương đối dài. Thêm vào đó, EU còn có các quy định khác về sản phẩm, môi trường, lao động, thẻ vàng IUU.
Về chủ quan, một số DN chưa biết cách tận dụng các ưu đãi đã được cam kết trong Hiệp định để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của mình. Năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế, khả năng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch động thực vật (SPS), yêu cầu môi trường, năng lực xúc tiến thị trường, tiếp cận khách hàng chưa cao. Ngoài ra, các DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ có tính chuyên nghiệp chưa cao, nghiệp vụ ngoại thương, hiểu biết pháp lý của DN còn hạn chế, dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp. Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho DN mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác.
Sau 2 năm thực hiện EVFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh vào thị trường EU tăng lên đáng kể. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu. |
* Thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường. Theo bà, DN phải làm gì để đáp ứng yêu cầu này?
- EU là thị trường rất khó tính với nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có cả những tiêu chuẩn DN tự đặt ra, đòi hỏi DN có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này cần nắm vững các quy định để đáp ứng tốt nhất thị hiếu, từ đó khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững. DN cần đón đầu xu hướng này để tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu sang EU và tạo thêm giá trị gia tăng cho DN đối với các thị trường khó tính khác.
Trước hết, các DN Viêt Nam phải nâng cấp các tiêu chuẩn kỹ thuật, xã hội, môi trường đặt ra cho các sản phẩm và dịch vụ của mình như: quy trình sản xuất, công nghệ, cách thức quản lý, tiêu chuẩn lao động, điều kiện nhà xưởng đủ điều kiện được nhập khẩu vào các thị trường thành viên của EU. Việc đầu tư này về lâu dài sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DN Việt Nam. Ngoài ra, DN cũng cần phải trao đổi với đối tác thương mại tại châu Âu để hiểu rõ hơn quy định của nước sở tại, cũng như có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của tham tán thương mại Việt Nam tại các nước thành viên châu Âu.
Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện EVFTA của tỉnh, các sở, ban, ngành căn cứ nhiệm vụ được giao cần triển khai, hỗ trợ DN khai thác hiệu quả các cơ hội do EVFTA mang lại. Đó là hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong và ngoài nước.
Sở Công thương phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA cho DN. Sở cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các tham tán thương mại tại các thị trường trọng điểm như châu Âu để kịp thời thông tin đến DN trên địa bàn tỉnh nhu cầu giao thương, các chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài cũng như hỗ trợ DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.
* Xin cảm ơn bà!
ĐÔNG HIẾU
(Thực hiện)