Hơn 2 tháng qua, giá xăng đã giảm 10 lần về mức hơn 22 ngàn đồng, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Dù giá xăng giảm nhiều lần và cơ quan nhà nước đề nghị rà soát giảm giá bán, nhưng đến nay, các mặt hàng thiết yếu gần như “án binh bất động”.
Dù giá xăng đã giảm sâu nhưng giá cả hàng hóa vẫn dậm chân tại chỗ. Trong ảnh: Người dân mua rau củ tại Lotte Mart Vũng Tàu. |
Giá tăng nhanh nhưng chưa chịu giảm
Chị Nguyễn Thanh Hiền (nhà ở chung cư Bình An, TP. Vũng Tàu) cho biết, thời gian qua, giá xăng dầu được Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh. Nhưng mỗi buổi sáng ra chợ, chị thấy nhiều loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm vẫn có giá cao. Một số mặt hàng tươi sống thậm chí còn đang tăng. “Nay giá xăng dầu đã giảm mạnh đến 10 lần nhưng người tiêu dùng chưa được hưởng lợi. Hôm qua tôi mua 1 kg thịt ba rọi rút sườn giá vẫn ở mức 170 ngàn đồng/kg, gần như không nhúc nhích so với tuần trước. Rau củ cũng vậy, giá vẫn giữ nguyên như khi xăng tăng lên mức cao nhất”, chị Hiền nói.
Không chỉ mặt hàng thực phẩm, nước uống tinh khiết tưởng như ít tác động do giá xăng cũng bị tiểu thương, người kinh doanh “tát nước theo mưa”. Anh Đặng Văn Nam (ở đường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) cho biết, gia đình anh thường xuyên mua nước tinh khiết về dùng. Mỗi tháng gia đình anh mua 2-3 bình nước tinh khiết có trọng lượng 18,5 lít, khi giá xăng tăng thì giá nước cũng tăng từ 55 lên 68 ngàn đồng/bình, nay xăng dầu giảm mạnh nhưng giá bán vẫn là 68 ngàn đồng/bình.
Ghi nhận tại các chợ, giá thịt heo vẫn ở mức như cách đây khoảng 2 tháng. Cụ thể, sườn non 185 ngàn đồng/kg; cốt lết từ 126-130 ngàn đồng/kg, thịt nạc từ 137-140 ngàn đồng/kg; ba rọi từ 140-150 ngàn đồng/kg, ba rọi rút sườn từ 160-170 ngàn đồng/kg; móng giò 90 ngàn đồng/kg; thịt bò 250 - 300 ngàn đồng/kg. Còn tại hệ thống bán lẻ hiện đại như Co.op Mart, Lotte Mart, Bách hóa xanh... giá thịt heo được bán với giá từ 99 -178 ngàn đồng/kg, tùy loại. Tương tự, rau xanh gần đây dù đã hạ giá nhưng vẫn khá đắt như: rau muống 15.000 đồng/bó; mồng tơi 10.000 đồng/bó; cà chua 30.000 đồng/kg, các loại rau hành, thì là, rau xà lách đều đắt đỏ.
Theo các tiểu thương, từ đầu tháng 7, thương lái bỏ mối thịt heo đều báo giá thịt heo tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg. Giá đầu vào tăng cao nhưng tiểu thương cũng không dám tăng nhiều. Trong khi đó, thực phẩm chế biến sẵn không những không giảm giá mà còn tăng thêm. Chị Nguyễn Liên Hoa (chủ cửa hàng tạp hóa tại trên đường Bình Giã, TP. Vũng Tàu) cho biết, sữa Vinamilk hộp 180ml tăng 10.000 đồng/thùng, lên giá 345.000 đồng/thùng; bột ngọt, đường tăng giá nhẹ thêm 1.000- 2.000 đồng/kg lên lần lượt là 65.000 đồng/kg và 22.000 đồng/kg. Còn mặt hàng mì gói sau khi thiết lập mặt bằng giá mới cách đây vài tháng cũng giữ giá ổn định ở mức cao. Chẳng hạn mì Hảo Hảo bán ra 108-110 ngàn đồng/thùng; mì Omachi, Cung đình 215 ngàn đồng/thùng; mì Kokomi 65 là 80 ngàn đồng/thùng.
Cần nhiều giải pháp giảm giá
Theo các DN bán lẻ, nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không giảm được cho là giá nguyên vật liệu sản xuất trên thế giới vẫn đứng ở mức cao. Trong khi đó, thời gian qua giá dầu giảm ít hơn, thậm chí còn cao hơn giá xăng mà dầu được sử dụng nhiều trong sản xuất, vận tải nên tác động nhiều đến giá thành hàng hóa. Nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm có thể tăng trên 30% so với các tháng thường. Do đó, trường hợp nguồn cung hụt, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá bán nhiều mặt hàng có thể tiếp tục tăng. Chính phủ cần sớm tìm phương án bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu... để DN sản xuất, cung ứng có cơ sở giảm giá bán hàng hóa, tăng nguồn cung.
Việc hàng hoá tiêu dùng thiết yếu không giảm sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá những tháng cuối năm tăng cao, để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, cần phải tìm mọi cách để thiết lập một mặt bằng giá mới, để phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu. |
Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market thông tin, đơn vị đang tính toán cho kế hoạch tăng cường nguồn cung cho thị trường tiêu dùng cuối năm, trong đó tính đến phương án dự trữ hàng hóa sớm hơn để đảm bảo giá bán bình ổn. Tuy nhiên, với tình trạng hiện hầu hết các nhà cung cấp không giảm giá bán, không dễ để các đơn vị bán lẻ đưa ra mức giá tốt cho người tiêu dùng nếu không chấp nhận giảm lợi nhuận để chạy khuyến mãi.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giá xăng dầu đã giảm sâu trong 2 tháng qua, trong khi giá nhiều mặt hàng vẫn không giảm, đặc biệt là giá dịch vụ vận tải là điều bất thường. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH-ĐT) cho biết, giá xăng giảm giá hàng hóa chưa thể giảm ngay mà DN họ cần có “độ trễ” trong điều chỉnh giá cả phù hợp với giảm giá xăng dầu thời gian vừa qua. Tuy nhiên, “độ trễ” này chỉ nên kéo dài từ 1 - 2 tuần, nhiều là 3 tuần, còn nếu kéo dài hơn nữa thì rất phi lý và phải được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý.
“Trên thị trường thế giới, các mặt hàng quốc tế sản xuất sẽ giảm ngay sau khi giá xăng giảm, vì nếu không sẽ không thể cạnh tranh được, do đó nếu hàng hoá trong nước vẫn không giảm thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu. Do đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp phù hợp để giá nguyên, nhiên liệu và giá cả hàng hoá điều chỉnh phù hợp theo giá xăng. Đây cũng là cách để Việt Nam nâng cao năng lực cho hàng hoá xuất khẩu trong nước và ổn định đời sống người dân, giúp DN hồi phục”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Bài, ảnh: SONG BÌNH