* Bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trong quá trình nạo vét
Sáng 28/9, chủ trì họp nghe báo cáo về nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh cơ bản đồng ý với đề xuất của Sở TN-MT về các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt vật liệu san lấp.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, đối chiếu với quy hoạch sử dụng tài nguyên khoáng sản và nhu cầu của các dự án, công trình trọng điểm, giai đoạn 2022-2030 thiếu khoảng 14,59 triệu m3 đất và cát san lấp.
Sở TN-MT đề xuất tập trung khai thác các nguồn như: đất cát san lấp từ nhu cầu cải tạo đất để canh tác nông nghiệp của người dân và nguồn đất cát thu hồi từ quá trình cải tạo, mở rộng dung tích lòng hồ. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cải tạo, nâng dung tích các lòng hồ chứa nước để tận dụng nguồn đất cát san lấp, từ đó khảo sát, đánh giá khả năng cải tạo, mở rộng dung tích chứa nước của các hồ trên địa bàn tỉnh.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh nghe Sở NN-PTNT báo cáo về kết quả thực hiện thí điểm các dự án nạo vét lòng hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu rà soát các dự án nạo vét, bảo đảm hiệu quả của các dự án. Và đặc biệt phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình khi thi công.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập dự án nạo vét, thu hồi khối lượng vật liệu lòng hồ tại 18 hồ chứa nước và 3 đập dâng. Trong đó, 13 hồ và 3 đập dâng đang triển khai lập dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; 5 hồ triển khai nạo vét gồm hồ Đá Đen; Bút Thiền; Suối Nhum; Sông Hỏa- sông Dinh (đập dâng cầu mới).
Sở NN-PTNT cho biết, các đơn vị gặp nhiều khó khăn về thực hiện tiến độ nạo vét, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và xử lý các quy định của pháp luật hiện hành cũng như một số bất cập về quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan.
PHÚC HIẾU