Sau dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dần phục hồi, nhất là các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, để DN phát triển bền vững vẫn cần có sự kết nối và hỗ trợ DN từ địa phương cũng như các hiệp hội. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.
PGS, TS Trần Hoàng Ngân. |
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” của các DN hiện nay?
- PGS, TS Trần Hoàng Ngân: Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định dịch COVID đang được kiểm soát tốt, các DN đã hoạt động ổn định trở lại để nhanh chóng khôi phục sản xuất, thực hiện các đơn hàng đã ký kết. Số DN trở lại hoạt động không ngừng tăng, điều này cho thấy, Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng đã bắt nhịp nhanh và đang phục hồi kinh tế.
Quý 2/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh lạm phát không ít khó khăn và thách thức, đà hồi phục GDP quý II/2022 cho thấy tín hiệu rất khả quan. Với đà trưởng này, GDP cả nước năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng trên 6,8%. Kinh tế tiếp tục giữ vững, kiểm soát được lạm phát và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đặc biệt, Chính phủ đang xúc tiến đầu tư công, đầu tư hạ tầng về giao thông, trong đó BR-VT có những dự án giao thông lớn, điển hình là dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giúp kết nối vùng. Từ đó giúp chi phí logistics giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các DN, nhất là DN vừa và nhỏ cần sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất. Trong ảnh: Các DN giới thiệu sản phẩm thông qua hoạt động kết nối do Cộng đồng kết nối DN Việt Nam - OBC Việt Nam tổ chức. |
Về phong trào khởi nghiệp, dù sau dịch các DN còn nhiều khó khăn nhưng các ý tưởng khởi nghiệp và số DN khởi nghiệp bắt đầu với quy mô nhỏ ngày càng nhiều. Các DN khởi nghiệp đã bắt đầu từ những mô hình nhỏ và học hỏi dần qua các môi trường kinh doanh và trở thành DN lớn, phát triển. Khởi nghiệp không phải lúc nào cũng thành công nhưng chúng ta cứ đi và hơn hết là phải biết liên kết, chia sẻ thông tin để tồn tại và phát triển trong thời gian tới. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, các DN khởi nghiệp nên tập trung phát triển DN theo hướng DN xanh, sạch, thân thiện với môi trường và đẩy mạnh ứng dụng kỷ nguyên số, kinh tế số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
BR-VT là địa phương có thế mạnh trên nhiều lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, thủy sản… vì vậy, các DN khởi nghiệp nên dựa vào đó để phát triển.
Sản xuất hạt điều tại Công ty TNHH SX TM Vinh Danh (huyện Châu Đức). |
* Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do. Đây là những thuận lợi để các DN Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng mở rộng thị trường, tuy nhiên ông có lưu ý gì cho các DN khi tham gia các sân chơi này?
- Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng với độ mở kinh tế lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát ở một số khu vực tăng cao nên Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Lạm phát cao sẽ dẫn đến phải “uống thuốc liều cao để trị bệnh”. Một trong những liều thuốc rất ngại uống nhưng phải uống đó là thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt chính sách tài khóa và nâng lãi suất trên thị trường; tăng cường kiểm soát giá, chống đầu cơ, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ để góp phần bình ổn giá cả. Bên cạnh đó, đối với xuất khẩu, chất lượng sản phẩm luôn được các nước đặt lên hàng đầu và họ đã tăng cường kiểm soát chất lượng. Vì vậy, dù các hiệp định thương mại tự do có nhiều thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu nhưng các DN vẫn lưu ý các yếu tố về chất lượng, môi trường, sự bền vững, đảm bảo tính lâu dài. Để có thể làm ăn lâu dài, các DN phải chuẩn hóa quy trình sản xuất một cách bài bản chuyên nghiệp, cũng như tuân thủ các quy định của nước xuất khẩu.
* Để đi nhanh, đi xa, ngoài nỗ lực của DN, cần có những chính sách hỗ trợ gì từ Nhà nước, thưa ông?
- Các DN hiện nay có nhiều lợi thế, đó là việc kết nối khá dễ dàng thông qua mạng xã hội, hiệp hội, liên kết. Thông qua các kênh kết nối này, các DN có cơ hội giới thiệu sản phẩm, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và mở rộng thị trường. Nhưng ngoài nỗ lực của DN vẫn cần sự chung sức, chia sẻ của lãnh đạo các cơ quan ban ngành, nhất là UBND các tỉnh, thành cải cách hành chính nhiều hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho DN nhiều hơn nữa để giúp DN có thể phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn của mình. Từ đó góp phần giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương và góp phần phát trển kinh tế, tăng ngân sách của địa phương.
* Xin cảm ơn ông!
ĐÔNG HIẾU
(Thực hiện)