Thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu bước vào thu hoạch nhãn đầu vụ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, sản lượng và giá bán tăng cao, người trồng nhãn phấn khởi.
Bà Lê Thị Thanh Vân, ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc vui mừng khi vụ nhãn được mùa được giá. |
Đang thu hoạch đợt thứ hai, bà Lê Thị Thanh Vân, ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc chia sẻ, sau một năm thất bại vì đại dịch COVID-19, vụ nhãn năm nay được mùa, được giá nên người trồng nhãn rất phấn khởi. Theo chia sẻ của bà Vân, với 200 gốc nhãn xuồng trên diện tích 2ha, trong đó có 5 sào đang cho thu hoạch, nhờ đầu tư đúng cách cộng với thời tiết thuận lợi, sản lượng nhãn đạt 4 tấn, tăng gấp đôi so với vụ năm ngoái.
Điều đáng nói, mặc dù chi phí đầu tư có tăng hơn so với năm ngoái khoảng 5 triệu đồng do phân bón tăng cao, song bù lại giá ổn định, nên người trồng nhãn vẫn thu lãi lớn. Thương lái đang thu mua nhãn xuồng tại vườn dao động từ 21-23 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà Vân thu lãi khoảng 70 triệu đồng. “Năm ngoái nhà tôi chỉ bán được 1/3 vườn nhãn với giá chưa tới 5 ngàn đồng/kg, do dịch bệnh không tiêu thụ được, may mắn vụ nhãn năm nay thời tiết thuận lợi, nhãn được xử lý ra hoa đúng thời điểm nên đạt năng suất cao. Nhờ đó, gia đình tôi cũng bù lại được chút vốn để tái đầu tư cho vụ sau”, bà Vân chia sẻ.
Trong khi đó, vườn nhãn da bò của bà Nguyễn Thị Kim Liên, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc mặc dù còn khoảng vài ba ngày nữa mới tới thời điểm thu hoạch, song đã được thương lái đặt mua với giá 10 ngàn đồng/kg, nên gia đình bà không phải lo lắng đầu ra. Theo bà Liên, nhãn da bò năm nay tại địa phương đều đạt năng suất cao, riêng vườn của bà năng suất tăng 1 tấn so với năm ngoái. Với 7 sào nhãn, vụ này bà Liên thu về khoảng 60 triệu đồng.
Ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp là một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của huyện Xuyên Mộc với diện tích trên 200ha, trồng các loại như nhãn xuồng cơm vàng, nhãn da bò, nhãn Thái và nhãn bắp cải. Sản lượng ước đạt hơn 600 tấn, tăng hơn 100 tấn so với năm ngoái. Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ đang tương đối ổn định, giá tăng hơn so với năm ngoái nên người dân rất phấn khởi. Việc trồng nhãn không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Để thu hoạch 1 tấn nhãn/ngày, chủ vườn phải thuê từ 5-6 công. Trong đó, công hái hiện đang được thuê với giá 300 ngàn đồng/ngày/người, công thu, nhặt 250 ngàn đồng/ngày/người.
Tại TP. Vũng Tàu, một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn lớn và nổi tiếng của tỉnh, người trồng nhãn cũng đang bước vào vụ thu hoạch. Theo các hộ trồng nhãn tại đây, năm nay nhờ xử lý ra hoa sớm nên được mùa, trúng giá, sản lượng các vườn đều tăng vượt trội so với năm ngoái. Ngoài bán cho thương lái thu mua tại vườn, các nhà vườn còn bày bán dọc các tuyến đường nội đô cho khách du lịch. Trong đó, nhãn da bò đang được bán với giá 20 ngàn đồng/kg, một số loại nhãn nổi tiếng khác như bao công, bắp cải đang được bán giá dao động từ 50-130 ngàn đồng/kg.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 700ha nhãn, trồng tập trung tại TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ. Nhãn xuồng cơm vàng cũng được ngành nông nghiệp quy hoạch là cây ăn trái chủ lực của tỉnh. Ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nhiều nông dân đã biết áp dụng kỹ thuật cao vào canh tác, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên phần nào đã cạnh tranh được với một số loại trái cây nhập khẩu. Đặc biệt, nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa-Vũng Tàu đã được nhiều nơi đánh giá là có chất lượng tốt hơn các nơi khác, do vùng đất cát nơi này giàu nguyên tố kali và các nguyên tố vi lượng nên trái nhãn có vị ngon, ngọt, có màu vàng đặc trưng, độ brix thịt trái (20,1-22,2%), tỉ lệ thịt trái (61,1-62,4%) cao vượt trội. Nhờ đó, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bắp cải của Bà Rịa – Vũng Tàu đã được bày bán tại nhiều siêu thị, cũng như được khách du lịch ưa chuộng, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định và làm giàu từ cây nhãn.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC