Gỡ "nút thắt" giải ngân vốn đầu tư công: Bài 1 - Tỷ lệ giải ngân vốn thấp, vì sao?

Chủ Nhật, 07/08/2022, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Dù đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt thấp. Đâu là nguyên nhân và giải pháp để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay?

Bài 1: Tỷ lệ giải ngân vốn thấp, vì sao?

Tính đến cuối tháng 6/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong toàn tỉnh mới đạt 23,75%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn bình quân cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?

Nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn TP. Vũng Tàu vướng công tác BTGPMB. Trong ảnh: Lực lượng chức năng TP. Vũng Tàu khảo sát mặt bằng dự án nạo vét kênh Bến Đình.
Nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn TP. Vũng Tàu vướng công tác BTGPMB. Trong ảnh: Lực lượng chức năng TP. Vũng Tàu khảo sát mặt bằng dự án nạo vét kênh Bến Đình.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, giá trị giải ngân vốn tỉnh quản lý đến ngày 30/6/2022 gần 2.989 tỷ đồng, chỉ đạt 23,75% tổng kế hoạch vốn năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ này của cả nước là 27,86%. Nhiều địa phương được phân bổ nguồn vốn lớn nhưng còn nhiều dự án đầu tư công có tỷ lệ giải ngân thấp.

TP. Vũng Tàu là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt cao hơn trung bình toàn tỉnh. Cụ thể, giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 34,74% và ngân sách thành phố đạt 24,7%. Thành phố vẫn còn 41 dự án chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) do vướng khâu đền bù, bố trí quỹ đất tái định cư (TĐC).

Điển hình, dự án khu đô thị sinh thái Cù lao Bến Đình, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, Sở Xây dựng thỏa thuận địa điểm lấy toàn bộ khu cù lao Bến Đình thuộc các phường 5, 9, Thắng Nhì và Thắng Nhất với tổng diện tích 110ha. UBND TP. Vũng Tàu đang thực hiện công tác BTGPMB tạo quỹ đất sạch trước khi đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, hiện trạng khu đất có đến 90% diện tích là đùng, chòi tạm do người dân bao chiếm đất, xây dựng phục vụ nuôi trồng thủy sản và không ở trên đất, tự ý chuyển nhượng bằng giấy tay nên khi BTGPMB gặp nhiều khó khăn, người dân không chịu trả mặt bằng cho nhà nước vì đòi bồi thường vật kiến trúc, trong khi theo quy định thì không được bồi thường.

Bên cạnh đó, nhiều dự án chậm tiến độ còn do thiếu vật liệu san lấp. Phát biểu tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa VII, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều dự án đầu tư công đang tạm dừng vì khan hiếm vật liệu san lấp. Trong đó, một số dự án cần nguồn vật liệu san lấp lớn là hạ tầng kỹ thuật Khu tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng, đường Hàng Điều, đường Cầu Cháy nhưng nguồn vật liệu san lấp cho các dự án này không đáp ứng đủ theo tiến độ thực hiện để thi công.

TX. Phú Mỹ là địa phương có nhiều dự án đầu tư công nhất trên địa bàn tỉnh cũng có tỷ lệ giải ngân vốn thấp. Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ cho biết, năm 2022, thị xã được giao 240 dự án đầu tư công với nguồn vốn được bố trí gần 1.479 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí gần 1.089 tỷ đồng cho 134 dự án; nguồn vốn ngân sách thị xã bố trí gần 390 tỷ đồng cho 106 dự án.

Ngày 24/1/2022, UBND thị xã đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về điều hành đầu tư công năm 2022, cùng nhiều văn bản chỉ đạo và tại các cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng, đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác BTGPMB các dự án nhưng đến nay tiến độ giải ngân các dự án vẫn chậm so với kế hoạch. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, TX. Phú Mỹ giải ngân vốn ngân sách tỉnh là hơn 216 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26,87%. Mặc dù số vốn giải ngân này đã tăng 26,35% cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với trung bình những năm trước. Giải ngân vốn ngân sách thị xã là hơn 134 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,49% kế hoạch.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng  (TP. Vũng Tàu) chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp.
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhưng chủ yếu là vướng mắc trong công tác BTGPMB, khó khăn trong bố trí quỹ đất để xây dựng khu TĐC, giá vật liệu xây dựng tăng cao thời gian gần đây.

Lãnh đạo TX. Phú Mỹ nhận định, việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp còn xuất phát từ nguyên nhân là người dân có tâm lý muốn khiếu nại vì muốn được bồi thường với giá đất và vật kiến trúc cao hơn, đòi giao đất TĐC, giao đất ở, hỗ trợ giao đất ở... nên chậm bàn giao mặt bằng. Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho địa phương trong công tác thu hồi đất, BTGPMB. Mặt khác, quá trình triển khai thực hiện các dự án, công trình vẫn còn nhiều khó khăn như: việc xác định giá đất cụ thể, vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ, xác định nguồn gốc sử dụng đất, xác định đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Sau một năm gián đoạn bởi dịch bệnh, một số công trình đầu tư công tại huyện Côn Đảo đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom và xử lý nước thải huyện Côn Đảo.
Sau một năm gián đoạn bởi dịch bệnh, một số công trình đầu tư công tại huyện Côn Đảo đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom và xử lý nước thải huyện Côn Đảo.

"Ngoài ra, một số người dân chưa phối hợp trong việc thu hồi đất. Địa phương phải tổ chức vận động, giải thích nhiều lần, thực hiện kiểm đếm bắt buộc theo quy trình nên kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ Nguyễn Văn Thắm phân tích.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND TP. Vũng Tàu cho hay, nhiều dự án của thành phố chậm tiến độ là do không có quỹ đất sạch giao cho chủ đầu tư xây dựng, khởi công dự án. Nguyên nhân sâu xa là vướng ở khâu bố trí TĐC.

Thống kê của thành phố cho thấy, từ nay đến năm 2025, TP. Vũng Tàu có 81 dự án đã, đang, sẽ đầu tư và cần 6.900 suất TĐC (nhà ở và đất ở). Đến nay, thành phố có thể bàn giao 640 suất. Đến năm 2024, nếu cố gắng đẩy hết tốc độ thì thành phố có thể hoàn thiện hạ tầng cho 3.707 suất, vẫn còn 2.553 suất TĐC thiếu quỹ đất.

Tại một số địa phương khác, vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số được phê duyệt tại Nghị quyết số 108/NQ-HĐND vào ngày 10/12/2021, được bố trí kế hoạch vốn vào năm 2022. Như vậy, năm 2022 là năm đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2022-2025, nên với các dự án liên quan đến đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ đầu tư còn bị động trong công tác chuẩn bị đầu tư khởi công mới, dẫn đến chậm tiến độ giải ngân.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, giá trị giải ngân vốn tỉnh quản lý đến ngày 30/6/2022 là gần 2.989 tỷ đồng, đạt 23,75% tổng kế hoạch vốn năm 2022. Trong đó, vốn ngân sách của Trung ương cấp cho các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 600 tỷ đồng, tính đến 30/6/2022 đã giải ngân 67,094 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,18%.

Trong cả nước, bình quân vốn đầu tư công giải ngân đến ngày 30/6/2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 

;
Khai thác từ Vị trí chiến lược Dịch vụ chứng minh tài chính Khoa lê
.