Những năm gần đây, Côn Đảo phát triển mạnh và trở thành điểm đến thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Côn Đảo cũng đang phải đối mặt với những thách thức cản trở sự phát triển bền vững.
Khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng đông, đang là áp lực đối với sự phát triển bền vững của Côn Đảo. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Bảo tàng Côn Đảo. |
Nhiều thách thức
Theo ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, du lịch và dịch vụ đang là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, chiếm gần 90% tổng thu hằng năm của kinh tế huyện. Tuy nhiên đi liền với đó huyện Côn Đảo cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp tục nâng cao đời sống người dân trong dài hạn.
Cụ thể, sự phát triển nhanh của ngành du lịch - dịch vụ dẫn đến sự gia tăng mạnh về nhu cầu nước sạch, năng lượng, nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, đồng thời gia tăng phát thải rác và nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và du lịch của đảo.
“Trong phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, đất lâm nghiệp chiếm diện tích lớn nhất với trên 86% diện tích đảo, ngược lại đất nông nghiệp có diện tích nhỏ chỉ chiếm 2,2%. Do đó, Côn Đảo hiện đang phụ thuộc nguồn cung ứng về nguyên vật liệu, thực phẩm, dịch vụ từ đất liền với chi phí vận chuyển cao”, ông Huỳnh Trung Sơn dẫn chứng.
Theo Phòng TN-MT, rác thải cũng là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của huyện đảo. Hiện bãi rác Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 đã chứa hơn 70.000 tấn rác và diện tích còn lại chỉ còn khoảng 300m2, trong khi mỗi ngày Côn Đảo phát sinh khoảng 25 tấn rác thải. Bên cạnh đó, Côn Đảo là một ngư trường lớn của Việt Nam, nơi có hàng trăm ngàn lượt ghe, tàu đánh bắt hải sản vãng lai neo đậu, kéo theo một lượng rác nhựa rất lớn là ngư lưới cụ và rác thải sinh hoạt khác xả trực tiếp ra biển và cảng cá dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quanh đảo.
Áp lực về môi trường càng lớn khi lượng khách du lịch đến Côn Đảo gia tăng. Trong ảnh: Rác thải sinh hoạt đang chờ xử lý tại khu Bãi Nhát, huyện Côn Đảo. |
Ngoài ra, hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu. Những diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động khai thác du lịch, giảm sản lượng sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước ngọt dự trữ như nước biển dâng có thể xâm lấn sâu vào đảo ảnh hưởng chất lượng nước ở các hồ chứa. Nước biển ấm lên dẫn đến các loài sinh vật mất sinh cảnh sống gây suy giảm sản lượng ở các ngư trường xung quanh.
Hạ tầng đi trước
Ngày 1/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045. Theo đó, Côn Đảo trong thời gian tới sẽ có tính chất là khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế; là đô thị hội tụ đầy đủ các tiềm năng để trở thành một đô thị phát triển về du lịch dịch vụ sinh thái biển đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt với nhà tù Côn Đảo có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển đảo của quốc gia, quốc tế, và đồng thời cũng là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. “Quyết định nêu rõ mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển. Việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung với định hướng rõ ràng, cụ thể sẽ là tiền đề cho Côn Đảo bứt phá trong tương lai”, ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo khẳng định.
Để tạo động lực cho Côn Đảo phát triển, theo bà Dương Thị Thảo Hiền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay nhiều dự án hạ tầng chiến lược quốc gia đã và đang được ưu tiên phát triển ở Côn Đảo. Đáng chú ý là quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Côn Đảo và đề án quy hoạch phát triển nguồn năng lượng.
Theo đó, Bộ GT-VT đã có quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đến năm 2030 đạt công suất 2 triệu hành khách/năm với 8 chỗ đỗ tàu bay, đáp ứng khai thác các loại máy bay Code C. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.794 tỷ đồng. Theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, từ tháng 4/2023, sân bay Cỏ Ống sẽ tạm đóng cửa để nâng cấp, mở rộng, dự kiến hoàn thành, mở lại sân bay vào tháng 12/2023. Việc nâng cấp, mở rộng nhằm đón được các loại máy bay lớn hơn hiện nay.
Trong tương lai, hệ thống sân bay mở rộng thì lượng khách sẽ tăng đột biến. Các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân ngày một phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng điện cũng tăng theo.
Trong khi đó, nguồn điện tại Côn Đảo hiện nay khó đáp ứng được tốc độ phát triển. Dự báo nhu cầu điện cho huyện đảo đến năm 2025 khoảng 28,7MW, tăng hơn 3 lần, lên 87,6MW vào 2030 và đạt 94MW vào 2035. Với dự báo này, việc đầu tư đường dây cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo là rất cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, lâu dài, góp phần ổn định, cải thiện đời sống người dân, lực lượng vũ trang trên đảo, phát triển du lịch và các ngành nghề sửa chữa tàu thuyền, hậu cần nghề cá. Việc cấp điện cho Côn Đảo từ lưới điện quốc gia được xem là phương án tối ưu. Tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo hơn 4.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương dự kiến 2.526,2 tỷ đồng, còn lại 2.424 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của EVN.
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo, hiện tại VQG Côn Đảo đang quản lý toàn bộ tài nguyên thiên nhiên quần đảo Côn Đảo, với diện tích gần 20 ngàn ha. VQG đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển du lịch sinh thái bền vững đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt với 17 tuyến du lịch sinh thái quanh các đảo. VQG cũng cho thuê môi trường rừng giúp tăng nguồn tài chính cho các hoạt động của VQG và góp phần phát triển kinh tế du lịch của huyện đảo.
Thêm một tiền đề nữa để Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh tầm cỡ quốc tế, là mới đây UBND tỉnh BR-VT cũng đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Côn Đảo, giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, đề án quy định chặt chẽ, cụ thể nguyên tắc cho thuê môi trường rừng là không thay đổi quyền sở hữu của nhà nước về rừng; nguyên tắc tổ chức du lịch sinh thái không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ở địa phương.
Dự báo đến năm 2030, dân số Côn Đảo sẽ đạt khoảng 30.000 người, bao gồm 12.000 dân thường trú, tạm trú. Đến năm 2045, dân số trên đảo sẽ tăng lên khoảng 40.000 người với dân thường trú, tạm trú khoảng 18.000 người. Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Côn Đảo trong giai đoạn năm 2030 dự kiến đạt khoảng 2,2 triệu khách/năm; đến năm 2045 đón khoảng 2,7 triệu khách/năm. Để có thể đáp ứng các chỉ tiêu phát triển dân số và khách du lịch, quy mô đất xây dựng đô thị, du lịch cũng được dự báo tăng thêm 100 - 160ha đến năm 2030, và 150 - 240ha đất dân dụng mới đến năm 2045, chỉ tiêu khoảng 50 - 80m2/người giữ nguyên trong cả 2 giai đoạn. |
(còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ