Đứng trước nhiều thách thức, biến động của thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh không đạt theo kế hoạch đề ra. Do đó, ngành cần tiếp tục thúc đẩy, triển khai các biện pháp nhằm ổn định sản xuất, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Thời gian qua, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu tăng cao khiến việc sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Thu hoạch dưa lưới công nghệ cao tại xã Phước Long Thọ, (huyện Đất Đỏ). |
Tốc độ tăng trưởng chậm
6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tính theo giá hiện hành đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 3,82%, trong khi chỉ tiêu kế hoạch năm 3,86%. Một số lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng chậm như: trồng trọt tăng 3,68% so cùng kỳ (kế hoạch 3,75%), thủy sản tăng 3,12% (kế hoạch năm 3,25%). Thị trường nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm giá mạnh, nhất là nông sản chủ lực xuất khẩu.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với kế hoạch đề ra là do giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao, một số bà con giảm diện tích hoa màu trong vụ Đông-Xuân 2021-2022. Ngoài ra, do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài nên năng suất hồ tiêu giảm 0,5%, điều giảm 5,3%.
Đối với khai thác thủy sản cũng gặp khó khăn do giá xăng, dầu thời gian qua tăng cao (tăng 48% so năm 2021), đồng thời cũng ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động khai thác, đánh bắt, bảo quản, vận chuyển sản phẩm thủy sản. Nhiều ngư dân cho tàu cá nằm bờ, dẫn đến sản lượng khai thác trong 6 tháng đầu năm không cao.
Triển khai nhiều giải pháp đạt kế hoạch năm
Theo dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do điều kiện thời tiết có diễn biến bất thường, đặc biệt là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao từ 10-50% so với cùng kỳ năm 2021; Trung Quốc là kênh tiêu thụ lớn của tỉnh vẫn đang thực hiện chính sách “Zero COVID” đã ảnh hưởng đến thị trường nông sản.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, Sở phối hợp với địa phương thực hiện tốt sản xuất vụ Hè-Thu 2022; chuyển đất lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác hiệu quả hơn và phù hợp với sinh thái địa phương, dự kiến trong năm 2022 chuyển đổi 228,9ha. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học mới trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật đến đông đảo nông dân trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh sản xuất đạt chứng nhận VietGAP/GAP khác. Theo dõi, chỉ đạo sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực để có chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng này phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, mời gọi DN, HTX và nông dân tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm; mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng sản phẩm trồng trọt gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm.
Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, Sở NN-PTNT sẽ vận động và khuyến khích ngư dân tăng cường thời gian bám biển, vận dụng công nghệ hiện đại trong khai thác hải sản cũng như công nghệ bảo quản sau khai thác để giảm thất thoát; phát triển mô hình đội tàu thu mua hải sản trên biển nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác. Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý tàu cá, vận động tàu thuyền lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, ghi nhật ký khai thác thủy sản, mở thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ từ khi xuất bến...
Trước thực trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong thời gian qua, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện các giải pháp giảm chi phí đầu vào, nhất là chi phí dành cho thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, liên kết tổ chức sản xuất giảm chi phí các khâu trung gian và có thể tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC