Kinh tế khởi sắc, tín dụng tăng trưởng tốt

Thứ Ba, 19/07/2022, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh đang có mức tăng trưởng khá tốt. Theo đánh giá của NHNN, tín dụng tăng mạnh chứng tỏ nền kinh tế có những khởi sắc, các DN đang khôi phục sản xuất kinh doanh tích cực, người dân cũng đã trở lại cuộc sống bình thường nên nhu cầu vốn lúc này tăng khá cao.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Vũng Tàu.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Vũng Tàu.

Tích cực “bơm vốn” hỗ trợ thị trường

Thông tin từ NHNN Chi nhánh BR-VT cho biết, tính đến cuối tháng 6/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,26% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt tiếp tục thực hiện cho vay nhằm khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.  

Ghi nhận tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số đơn vị khá ấn tượng. Ông Lê Trung Dũng, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Phú Mỹ cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này vào khoảng 8,5%. Hiện, BIDV Phú Mỹ đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng DN, trong đó đáng chú ý gói tín dụng ngắn hạn 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ các khách hàng DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 hoạt động trong các ngành có triển vọng tích cực giai đoạn 2022-2025. Thời gian áp dụng  đến hết tháng 12/2022 hoặc hết quy mô gói. Với gói vay này, BIDV Phú Mỹ giảm từ 1,2-1,5%/năm so với lãi suất vay thông thường. Ngoài ra, đơn vị cũng đang triển khai gói ưu đãi cho cá nhân vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, quy mô 100.000 tỷ đồng, triển khai  đến hết năm 2022, lãi suất cho vay từ 8,2%/năm.

Theo lãnh đạo Vietinbank Chi nhánh BR-VT, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2022, Vietinbank tiếp tục duy trì các gói ưu đãi lãi suất vay vốn để đồng hành và hỗ trợ khách hàng sau đại dịch với mức giảm từ 3-4%năm so với lãi suất cho vay thông thường 9-12%/năm.

Bên cạnh việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

Tính đến hết tháng 6/2022, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 4.225 khách hàng với tổng giá trị nợ (gốc + lãi) là 4.238 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay đối với 41.866 khách hàng, số tiền lãi đã được miễn giảm là 173,43 tỷ đồng cho tổng giá trị nợ 44.758 tỷ đồng;  cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số cho vay đạt 75.055 tỷ đồng.  (lũy kế 24.684 khách hàng được cấp tín dụng).

Tiếp tục giữ ổn định lãi suất

Trong các tháng đầu năm 2022, NHNN Việt Nam giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Trên địa bàn tỉnh, một số chi nhánh NHTM thực hiện tăng nhẹ mức lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn trên 6 tháng (từ 0,1-0,2%/năm) áp dụng cho cả phương thức gửi tiền tại quầy và tiền gửi online. Đồng thời, các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai, thực hiện các chương trình cho vay mới với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và DN nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định và phát triển kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, mặt bằng lãi suất chung trên địa bàn vẫn cơ bản duy trì ổn định ở mức thấp.

Hiện, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao tối đa là 4,5%/năm. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường, phổ biến ở mức 6-10%/năm.

Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-10%/năm. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường, phổ biến ở mức 8,5-11,5%/năm.

Theo NHNN Việt Nam, trong các quý còn lại của năm 2022, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, cũng như ổn định tỷ giá VND/USD trong cả năm để hỗ trợ DN, phục hồi nền kinh tế.

Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.