HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC (RCEP)

Giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

Thứ Năm, 21/07/2022, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang mở ra cơ hội cho Việt Nam nói chung, Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng tăng tốc xuất khẩu vào thị trường những nước thành viên.

Công nhân Công ty TNHH TM DV SX Ca cao Thành Đạt chế biến ca cao, chocolate xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH TM DV SX Ca cao Thành Đạt chế biến ca cao, chocolate xuất khẩu.

Tận dụng ưu đãi

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK thủy sản tỉnh BR-VT (Baseafood) thông tin, năm 2022, Baseafood dự kiến tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu khoảng 20%. DN đã và đang tăng tốc sản xuất để hoàn thành các đơn hàng cho đối tác cũng như kế hoạch năm đề ra. Bên cạnh chủ động nâng cao chất lượng sản xuất, tăng tỷ lệ chế biến sâu để tăng giá trị trên thị trường thế giới, Baseafood cũng tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, trong đó có RCEP.

Trong 5 nước Đông Á thành viên của RCEP, Baseafood có mối quan hệ hợp tác lâu năm với 4 nước, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Autralia và Trung Quốc. Vì vậy, khi RCEP có hiệu lực càng tạo thêm cơ hội cho DN thâm nhập sâu vào các thị trường này. Tuy nhiên, nếu DN muốn tham gia thị trường sâu hơn nữa cần phải cải tiến quy trình sản xuất, trang thiết bị máy móc và đặc biệt là đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề để làm được các sản phẩm chất lượng cao theo quy định.

“Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản, Australia rất khó tính và có quy định khắt khe nhất về các điều kiện hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ quy định an toàn thực phẩm tại khu vực đó. Vì vậy, DN phải chủ động nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, có như thế mới tăng được sản lượng hàng hóa xuất khẩu và lợi nhuận. Mặt khác, so với các FTA khác, RCEP có nhiều thuận lợi hơn. Đó không chỉ là việc cắt giảm thuế quan đến 90% mà trong khu vực này vừa có nước nghèo, nước trung bình, nước giàu nên các nước lớn sẵn sàng hỗ trợ giúp cho các nước nghèo có điều kiện vươn lên”, ông Dũng phân tích.

Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là: Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được ký kết vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực đầu năm 2022.

Còn ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, năm 2022 dự kiến sản lượng và kim ngạch sản xuất kinh doanh của công ty có thể tăng từ 10-30% tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Các FTA, trong đó có RCEP có hiệu lực đã và đang đem lại những thuận lợi về xuất nhập khẩu cho Việt Nam nói chung, ngành dệt may nói riêng. Bởi từ trước đến nay, phần lớn nguyên phụ liệu của ngành dệt may trong nước đều phải nhập từ Trung Quốc.

Vì vậy, khi RCEP có hiệu lực, các DN dệt may trong nước, trong đó có Công ty CP May Vũng Tàu tận dụng ưu đãi về thuế quan khi sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất đi các nước thành viên. Ngoài giảm thuế quan, các nước thành viên RCEP cũng có sự bổ trợ cho nhau. Chẳng hạn, Nhật Bản có công nghệ kỹ thuật cao, trong khi Trung Quốc là quốc gia cung ứng nguyên phụ liệu cho thị trường thế giới, Việt Nam có ngành dệt may có thể cạnh tranh… các nền kinh tế này bổ trợ cùng giúp nhau phát triển.

Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.
Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo đánh giá của Bộ Công thương, việc đưa RCEP với một quy tắc xuất xứ chung áp dụng cho 15 nước vào thực thi kỳ vọng tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng DN Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng mới. Đồng thời, mở ra một không gian sản xuất chung và một “siêu” thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khu vực.

Một số nước tham gia RCEP được xem như là nơi sở hữu, cung ứng nguyên liệu, vật tư chiến lược lớn của thế giới (như: Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN) và là những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam (như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Đây là những điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi cho các ngành hàng. 

Bên cạnh đó, DN Việt Nam cần đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, RCEP mở thêm cơ hội cho DN tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực, giúp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng: nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, may mặc... vào thị trường các nước thành viên do quy trình xuất, nhập khẩu được đơn giản hóa. Qua đó, sẽ giảm thời gian, chi phí cho các DN Việt Nam; tăng tỷ suất lợi nhuận và sức cạnh tranh tại các thị trường trong khối RCEP, góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Từ khi RCEP có hiệu lực, đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến các quốc gia tham gia Hiệp định này là hơn 2,4 tỷ USD, chiếm 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: dầu thô, hóa chất, sắt thép, hàng may mặc, thủy hải sản, xơ, sợi dệt, cao su, máy móc thiết bị…
Kim ngạch nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh đến các quốc gia tham gia RCEP là hơn 1,9 tỷ USD, chiếm 54% tổng giá trị nhập khẩu của tỉnh, tăng gần 20% so với cùng kỳ, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ các quốc gia ngoài khu vực ASEAN (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia) là 1,6 tỷ USD, chiếm 45% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của BR-VT.

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, DN BR-VT cũng sẽ tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu do RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Từ đó, gia tăng xuất khẩu trong khu vực, nhất là ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Hầu hết các mặt hàng nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất khẩu sang các nước thành viên của RCEP, cũng như trong thời gian tới tiếp tục hợp tác, kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa sang các nước của RCEP như: nông sản chế biến (hạt điều, các sản phẩm từ hạt điều, hồ tiêu); trái cây các loại; gỗ và các sản phẩm từ gỗ, mủ cao su, thủy sản đông lạnh và các sản phẩm thủy sản chế biến; hóa chất, sắt thép, hàng may mặc…

“Để giúp DN tận dụng tốt các ưu đãi trong RCEP, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN thực hiện FTA, trong đó có Hiệp định RCEP; triển khai chương trình hội nhập kinh tế quốc tế; thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) nắm bắt thông tin về các thị trường xuất khẩu”, bà Hảo nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.