Hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng chậm
Lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đạt 370,8 triệu tấn, tăng 2%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Gemalink đặt mục tiêu sản lượng thông qua trong năm 2022 là 1,4 triệu TEU, tăng 40% so với năm 2021. |
Sản lượng tăng không như kỳ vọng
Thông tin từ Hiệp hội cảng biển cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, hàng hóa thông qua cảng biển tại BR-VT đạt 46,9 triệu tấn, giảm 3%. Trong đó, hàng container đạt hơn 3 triệu TEU, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Một số cảng có mức giảm sâu như: Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT) giảm 28%, Cảng Sài Gòn-SSA (SSIT) giảm 15,3%. Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) và Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) tuy sản lượng tăng nhưng không như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh TCIT thông tin, từ đầu năm đến nay, hàng hóa thông qua cảng giảm nhẹ. Sản lượng hàng container thông qua TCIT tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2021, xấp xỉ 1 triệu TEU. Kết quả này tuy chưa được như kỳ vọng nhưng TCIT tiếp tục khẳng định vị thế cảng nước sâu lớn nhất cả nước và là cảng có sản lượng thông qua lớn thứ hai tại Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân hàng hóa qua cảng biển tăng trưởng chậm hoặc giảm nhẹ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, do chi phí vận chuyển tăng nhiều lần so với thời điểm chưa có dịch, tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tiếp tục tăng vọt. Ngoài ra, chính sách hạn chế đi lại, theo đuổi “Zero COVID” của Trung Quốc khiến DN xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, mức tăng 2% của khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam là mức tăng trưởng thấp nhất trong vài năm gần đây, dù nước ta đã bước sang tình hình mới sau dịch COVID-19. Sở dĩ có việc này do hàng hóa nhập khẩu giảm, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi có tỷ trọng nhập khẩu rất lớn trong khi đang bị đứt gẫy chuỗi cung ứng. Cùng với đó, tín hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều nước tăng trưởng chậm lại; người dân và Chính phủ thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là những đối tác lớn của Việt Nam như EU, Mỹ... Nhu cầu nhập khẩu của các đối tác lớn cũng giảm nên các DN trong nước chủ động giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Khai thác tối đa sản lượng
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế cảng biển, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang dần hồi phục sau đại dịch. Đặc biệt, tác động đòn bẩy của các Hiệp định FTA thế hệ mới, nhu cầu tăng cao của các hãng tàu trên các tuyến dài đi Bắc Mỹ và Châu Âu, kéo theo sản lượng hàng hóa thông qua cụm CM-TV tiếp tục tăng trưởng cao nhất cả nước. Kết quả này một phần là nhờ khu vực ở đây sở hữu nhiều lợi thế của một cụm cảng nước sâu hàng đầu khu vực. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để các cảng phát huy tối đa sản lượng khai thác.
Ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink) cho biết, hiện Gemalink có khả năng phục vụ các cỡ tàu lớn nhất trên thế giới. Trên cơ sở đó, Gemalink đặt mục tiêu sản lượng thông qua trong năm 2022 là 1,4 triệu TEU, tăng 40% so với năm 2021. Riêng 6 tháng đầu năm, Gemalink đã đạt sản lượng khai thác 650 ngàn TEU, hoàn thành tốt kế hoạch. Những tháng cuối năm là mùa cao điểm, do đó Gemalink tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu còn lại.
“Gemalink đang gấp rút chuẩn bị nhằm sớm khởi công giai đoạn 2 của cảng nước sâu Gemalink để có thể đưa vào khai thác từ năm 2025, nâng tổng công suất của cảng lên gần 3 triệu TEU. Lúc này, thị phần Gemalink ở khu vực CM-TV có thể lên tới 35% từ 15% hiện nay”, ông Đỗ Công Khanh chia sẻ thêm.
Đánh giá từ Hiệp hội Cảng biển cho biết, khu vực cảng nước sâu CM-TV có trọng tải tối đa 160.000-200.000 DWT. Với mức trọng tải này, các tàu mẹ có trọng tải lớn sẽ không gặp vấn đề khi cập cảng làm hàng. Nhờ đó, thời gian qua lượng tàu mẹ cập CM-TV không ngừng gia tăng. Tổng sản lượng tại các cảng TCCT, TCIT, CMIT, TCTT và SSIT… đều đã đạt công suất trên 90%. Các DN kinh doanh cảng đang kỳ vọng sản lượng hàng container thông qua khu vực cảng CM-TV sẽ tăng tốc phục hồi trên 20% trong 6 tháng cuối năm 2022 nhờ các hoạt động sản xuất, vận tải được thông suốt và nhu cầu tiêu dùng tại thị trường châu Âu, Mỹ phục hồi.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN