.
SỔ TAY

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có

Cập nhật: 18:43, 05/07/2022 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020 và đặc biệt gần đây nhất, những biến động trên thế giới đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Với thông báo mới của các DN, từ ngày 1/7 tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 240-400 đồng/kg - đây là lần tăng giá thứ 6 trong năm 2022 và lần thứ 17 kể từ năm 2020 đến nay.

Như vậy, tính bình quân từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình mỗi tháng có một lần điều chỉnh tăng giá, mật độ quá dày đặc đã khiến người chăn nuôi lỗ chồng lỗ khi chi phí đầu vào ngày càng cao. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như không còn trụ nổi trên thị trường. Một số hộ chăn nuôi cho biết, giá thành nuôi heo, gà công nghiệp hiện nay nhiều nơi cao hơn giá bán ra thị trường.

Là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất. 70% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nhập khẩu... đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi chiếm vai trò quan trọng và có nhiều ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của ngành chăn nuôi, chiếm tới 65-70% giá thành trong chăn nuôi. Trước bối cảnh giá nhập khẩu tăng cao thì bài toán chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành chăn nuôi tiếp tục được đặt ra với tính cấp thiết hơn.

Trước mắt, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẵn có trong nước để có thể thay thế một phần nguồn nhập khẩu. Với các trang trại nhỏ lẻ nên chủ động chuyển sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương như bắp, đậu, lúa để tự chế biến thức ăn chăn nuôi, giảm bớt sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng quy hoạch lại vùng trồng nguyên liệu bắp, mì; đậu tương, sử dụng lúa gạo để thay thế một số nguyên liệu khác… Chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cũng phải cơ cấu lại. DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao, xây dựng công thức khẩu phần thức ăn chăn nuôi có nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng cần tăng cường xây dựng liên kết thông qua các HTX, DN... để tham gia vào chuỗi sản xuất, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi.

LAM GIANG

 
.
.
.