Doanh nghiệp sản xuất phân bón muốn được "chịu" thuế
Đây là kiến nghị của các DN sản xuất phân bón nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm hiện nay.
Công nhân Nhà máy đạm Phú Mỹ kiểm tra hàng trong kho. |
Giá phân bón tăng cao, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng
Theo phản ánh của các DN sản xuất phân bón, từ năm 2015, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất Giá trị gia tăng (GTGT) 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ, DN phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh. Điều này làm cho giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5 - 8%, dẫn đến giá phân bón đến tay nông dân cũng bị tăng theo. Từ đó, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng tăng lên đáng kể, do phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí đầu tư.
Ghi nhận trên thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh cho thấy, thời gian qua giá phân bón liên tục cao. Riêng từ sau Tết Nguyên đán 2022, giá các loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali… đồng loạt tăng mạnh. So với một năm về trước, giá phân bón đã tăng hơn gấp đôi (khoảng 60-70%). Đây được xem là mức giá cao nhất trong 50 năm trở lại đây.
Giá phân bón tăng cao, bà con nông dân phải đối diện với nhiều khó khăn. Thông tin từ ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, 6 thàng đầu năm 2022, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số bà con giảm diện tích hoa màu trong vụ Đông-Xuân 2021-2022.
Hiện nay, giá phân bón đã hạ nhiệt hơn, tuy nhiên theo nhận định của Hiện hội phân bón Việt Nam, việc hạ nhiệt hiện nay cũng chỉ mang tính ngắn hạn.
Không chỉ nông dân đối diện với khó khăn, mà bản thân các DN sản xuất phân bón cũng bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo Tổng Công ty phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) cho biết, tùy theo tình hình giá nguyên liệu đầu vào mà tổng số chi phí tăng lên do không được khấu trừ thuế GTGT là 300-370 tỉ đồng/năm. Trong 5 năm (2015-2019) tổng số tiền thuế không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVFCCo là 1.637 tỉ đồng.
Đề nghị chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang có thuế
Theo phản ánh của các DN sản xuất phân bón lớn trong nước, để hỗ trợ bà con nông dân vượt qua khó khăn, trong thời gian qua, các DN đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, tri ân, tặng quà, bán phân bón trả chậm chứ không thể giảm giá bán sản phẩm đi ngược với quy luật thị trường.
Chẳng hạn, tại PVFCCo cuối tháng 5 vừa qua tổ chức chương trình “Đạm Phú Mỹ - Đồng hành sẻ chia”. Theo đó, từ ngày 1/6/2022 đến ngày 15/7/2022, khách hàng khi mua 1 bao urê Đạm Phú Mỹ tại các điểm bán có thông báo khuyến mại sẽ được tặng 1 chai dầu ăn Tường An (loại chai 250ml). Tổng số quà tặng trong chương trình là 2 triệu chai dầu ăn, với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. Chương trình này được PVFCCo tổ chức nhân dịp vụ Hè Thu/mùa mưa- một trong hai vụ chăm bón lớn nhất trong năm; đồng thời hỗ trợ bà con nông dân trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 và tác động của cuộc xung đột Nga- Ukraine.
Về phía ngành nông nghiệp, để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân, vừa qua Bộ NN&PTNT đề nghị áp thuế đối với mặt hàng phân bón. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Đồng thời, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.
Trên thực tế, trong bối cảnh nền nông nghiệp và nông dân cả nước đang lâm vào khó khăn do dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn mặn... kéo dài và nghiêm trọng như hiện nay, hơn lúc nào hết, việc sửa đổi, đưa phân bón trở thành mặt hàng chịu thuế chính là một trong những biện pháp hỗ trợ thiết thực và quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực được coi là trụ đỡ khi nền kinh tế khó khăn.
Bài, ảnh: PHAN HÀ