Thị trường cao su khởi sắc

Thứ Ba, 21/06/2022, 19:03 [GMT+7]
In bài này
.

Những tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, thị trường cao su có khả năng hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu và trị giá do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu.

Công ty CP Cao su Bà Rịa thu hoạch mủ cao su.
Công ty CP Cao su Bà Rịa thu hoạch mủ cao su.

Xuất khẩu tăng mạnh

Ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cao su Bà Rịa cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, giá cao su đã có sự phục hồi, với giá bán hiện ở mức 42,3 triệu đồng/tấn. Riêng Công ty CP Cao su Bà Rịa, tính đến tháng 5, lượng cao su tiêu thụ đạt 2.413 tấn cao su, trong đó xuất khẩu 919 tấn, doanh thu đạt khoảng 102 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu tiêu thụ 10.635 tấn, tổng doanh thu 541,571 tỷ đồng.

Còn đại diện Công ty CP Cao su Thống Nhất cũng cho rằng, năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhưng chính sách Zero COVID của Trung Quốc sẽ tác động lớn đến thị trường, bởi đây là một trong số thị trường xuất khẩu cao su lớn. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực, trong đó có lợi thế từ những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên dự báo thị trường tiêu thụ cao su sẽ có khởi sắc. Công ty đặt mục tiêu tiêu thụ 1.456 tấn mủ cao su, cộng với sản lượng chuối tiêu thụ khoảng 3.650 tấn, tổng doanh thu khoảng 133 tỷ đồng trong năm 2022.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 595 ngàn tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, trong những tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị trường Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của Việt Nam, với sự gia tăng xuất khẩu cả về lượng và giá trị trong những tháng đầu năm. Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ, Đức, Pakistan, Nga, Indonesia, Brazil, Hà Lan, Peru… Riêng BR-VT, kim ngạch xuất khẩu của cao su tăng 50,9%.

Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa chế biến mủ cao su tại nhà máy.
Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa chế biến mủ cao su tại nhà máy.

Hưởng lợi từ các FTA

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù những yếu tố thế giới tác động đến thị trường cao su thiên nhiên, nhưng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã đưa thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam từ thuế suất 3% giảm còn 0%. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà chế biến lốp xe đang phát triển lốp radial bố thép và có nhu cầu nhập khẩu những chủng loại phù hợp nhưng Việt Nam sản xuất ít như TSR 20, TSR 10, RSS. Mặt khác, những cơ hội khác mà CPTPP và các FTA khác mang lại cho ngành cao su còn là triển vọng về đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, CPTPP tạo sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác liên doanh sản xuất sản phẩm cao su khi thuế nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị vào Việt Nam giảm dần đến mức 0%. Điều này tạo điều kiện thúc đẩy ngành cao su tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng trong nước và quốc tế từ khâu cung cấp nguyên liệu cao su thiên nhiên đến sản xuất thành phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho hay, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. ANRPC dự báo, mức tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 4-5% so với năm 2021. Ngoài việc nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Vì vậy, triển vọng ngành cao su toàn cầu trong năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

 

Ông Nguyễn Minh Đoan cho rằng, để tận dụng những cơ hội và tiềm năng của CPTPP và các FTA mang lại cho ngành cao su, công ty tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” để được thẩm định hàng năm về chất lượng, uy tín và áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững, có trách nhiệm xã hội và môi trường, nguồn gốc hợp pháp và truy xuất được. 

Đồng thời, tiếp tục cải tiến quản lý và quy trình sản xuất làm cơ sở giảm giá thành và tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ hội viên thực hiện các chứng nhận quốc tế và quốc gia theo yêu cầu của thị trường và khách hàng. 

Công ty cũng cập nhật thường xuyên các nghiên cứu thị trường và tình hình chuỗi giá trị ngành hàng cao su để có cơ sở khuyến cáo cho DN, hội viên chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, cũng như phát hiện những cơ hội hợp tác, kết nối trong chuỗi cung ứng của ngành cao su.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.