Mở rộng vùng an toàn dịch bệnh trên động vật

Chủ Nhật, 19/06/2022, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) không chỉ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh, cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, mà còn là chìa khóa để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, đủ điều kiện xuất khẩu.

Người chăn nuôi tại huyện Châu Đức phun khử chuồng trại để bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Người chăn nuôi tại huyện Châu Đức phun khử chuồng trại để bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Gần 10 năm chăn nuôi heo, ông Vũ Ngọc Huấn, ở ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức hiểu được tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh. Do đó, khi xây dựng trang trại heo với quy mô 250 con, ông Huấn đã chủ động thực hiện phương pháp ATDB. Từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, vắc xin đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Heo giống sau khi tách mẹ được kiểm tra về sức khỏe, tiêm các loại vắc xin cần thiết.

Bên cạnh đó, việc khử trùng, giữ vệ sinh trong và ngoài chuồng trại đều được ông thực hiện nghiêm ngặt và theo định kỳ. Nhờ tuân thủ các quy định về an toàn nuôi, từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh đến nay, đàn heo của gia đình ông vẫn an toàn, không bị nhiễm bệnh.

“Việc tuân thủ các quy định về ATDB không chỉ giúp giảm tổn thất trong chăn nuôi mà còn góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm chăn nuôi có giấy chứng nhận vùng chăn nuôi ATDB sẽ rất thuận lợi trong việc xuất bán, nhất là trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh”, ông Huấn cho biết thêm.

Trong khi đó, bằng phương pháp chăn nuôi thảo dược, cùng với việc luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch nên đàn gà của gia đình ông Nguyễn Minh Lý (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) luôn mạnh khỏe, ít dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt thấp.

Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm, năm 2022 tỉnh tiếp tục duy trì 6 vùng ATDB động vật đã được Cục Thú y chứng nhận, gồm: vùng ATDB động vật đối với bệnh cúm gia cầm Newcastle tại TX. Phú Mỹ và huyện Châu Đức; vùng ATDB động vật đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo cổ điển tại huyện Long Điền và Đất Đỏ; vùng ATDB động vật đối với bệnh dại ở động vật tại TP. Vũng Tàu và huyện Côn Đảo; 8 cơ sở ATDB động vật đối với các loại bệnh tại các xã Tam Phước (Long Điền), Bưng Riềng, Hòa Hội, Xuyên Mộc, Phước Tân, thị trấn Phước Bửu, Bông Trang, Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) và 120 cơ sở, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng 2 vùng, 3 cơ sở cấp xã và 15 cơ sở, trang trại ATDB động vật để được các cấp có thẩm quyền chứng nhận trong năm 2022.

Theo ông Lý, trong chăn nuôi điều quan trọng nhất là làm sao cho đàn gà khỏe mạnh, nên mỗi tuần ông phun xịt khử trùng chuồng trại hai lần, rải vôi quanh lối đi và tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn gà. Trung bình 1 năm ông thả nuôi 2 lứa gà, khoảng 3.000 con/lứa. Sau khi trừ chi phí, ông Lý thu lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/lứa. 

“Phương pháp phòng, chống dịch cho đàn gia cầm rất là quan trọng quyết định yếu tố thành công trong chăn nuôi. Gia đình tôi luôn thực hiện đầy đủ các giải pháp chăn nuôi ATDB. Nhờ đó, sản phẩm luôn bảo đảm chất lượng, rất ít khi bị rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh gây ra”, ông Lý chia  sẻ.

Theo định hướng phát triển chăn nuôi và quy hoạch nông nghiệp tỉnh, xã Sông Xoài và phường Hắc Dịch là 2 địa phương của TX. Phú Mỹ được quy hoạch và định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung của tỉnh và cũng là địa phương được Cục Thú y xác định là vùng đệm trong dự án xây dựng vùng ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, hướng tới xuất khẩu.

Hai xã này có 20 trang trại nuôi 980.000 con theo hình thức khép kín. Từ năm 2018 tới nay, chính quyền các cấp trên địa bàn thị xã đã phối hợp cùng cơ quan chuyên ngành thú y chủ động thông tin tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về tác hại của bệnh để kịp thời phòng bệnh. Đồng thời, quản lý và giám sát chặt chẽ sức khỏe đàn vật nuôi, đến nay không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, khi chăn nuôi trong vùng ATDB, người chăn nuôi có nhiều thuận lợi, được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống và được phép vận chuyển ra khỏi vùng dịch. Đây là lợi thế rất lớn khi diễn biến dịch bệnh động vật đang phức tạp. Ngoài ra, sản phẩm vùng chăn nuôi ATDB còn được xem xét cấp chứng nhận đạt quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP), được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB còn giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh, cải tiến và nâng cao hiệu quả quản lý chăn nuôi; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. Hiện các nước ngày càng siết chặt và tăng các yêu cầu về kiểm dịch thú y đối với những mặt hàng chăn nuôi xuất khẩu, việc xây dựng được vùng ATDB theo chuẩn quốc tế chính là một trong những yêu cầu quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong giai đoạn hội nhập.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.