Bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã và đang là "điểm nghẽn" của nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có các khu công nghiệp (KCN). Đáng chú ý, có những KCN đã đi vào hoạt động hàng chục năm nhưng vẫn chưa có đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp.
KCN Sonadezi Châu Đức hiện còn 50ha đất vướng mặt bằng. Trong ảnh: Một dự án đang xây dựng tại KCN Sonadezi Châu Đức. |
390ha đất KCN còn vướng mặt bằng
KCN Phú Mỹ 1 thành lập từ năm 1998, với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê là 695ha. Tuy nhiên, KCN này hiện còn khoảng 45,8ha đất không thể thực hiện công tác bồi thường GPMB để có đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp.
Tương tự, KCN Sonadezi Châu Đức được thành lập từ năm 2008 với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê là 1.556ha. Thế nhưng, phần đất thuộc địa huyện Châu Đức hiện còn 50ha chưa thực hiện được công tác kiểm đếm thực địa do người dân không hợp tác với lý do đơn giá bồi thường thấp so với thị trường. Một số khu vực thi công hạ tầng vẫn còn khoảng 48,7ha chưa GPMB do các hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sonadezi Châu Đức cho biết, mặt bằng đang là nỗi trăn trở của DN trong nhiều năm qua. Chính quyền địa phương và DN đã nỗ lực nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường GPMB. "Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cũng như làm giảm khả năng thu hút đầu tư vào KCN", ông Tuấn nhấn mạnh.
Quyết liệt hơn trong giải phóng mặt bằng
Việc kéo dài công tác bồi thường, GPMB đã khiến các DN gánh chịu nhiều tổn thất. Theo các chủ đầu tư hạ tầng KCN, khi GPMB khó khăn, tốn kém, giá đất bị đẩy lên gấp nhiều lần so với trước. Giá đất tăng kéo theo gánh nặng cho DN. Đơn cử, so với thời điểm 10 năm trước, chi phí bồi thường đất tại KCN trong tỉnh đã tăng gấp 7-8 lần. Do vậy, để bảo đảm lợi nhuận, chủ đầu tư bắt buộc phải tăng giá cho thuê hoặc giảm ưu đãi cho nhà đầu tư thứ phát, đồng nghĩa với việc làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Do vậy, chi phí thuê đất cao sẽ tác động xấu tới môi trường đầu tư.
Một dự án đang xây dựng tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. |
Để tháo gỡ các khó khăn trên, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, Ban đã đề nghị huyện Châu Đức và TX. Phú Mỹ quan tâm hỗ trợ lực lượng vận động người dân hợp tác thực hiện trình tự về công tác bồi thường, GPMB để có đất sạch bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp. Trường hợp sau khi đã vận động người dân vẫn không hợp tác, địa phương cần sớm áp dụng các biện pháp hành chính nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB cho KCN.
Sở TN-MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Tổ hỗ trợ khắc phục một số khó khăn trong lĩnh vực quản lý đất đai. Các tổ này hàng tháng đều phối hợp với địa phương tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB.
Hạ tầng KCN Đất Đỏ 1 được đầu tư đồng bộ hiện đại, sẵn sàng đón các nhà đầu tư. |
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc chậm giải phóng mặt bằng KCN gây trở ngại cho nhà đầu tư. Do đó, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương phải quyết tâm, đồng hành cùng nhà đầu tư hạ tầng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án tại các KCN. UBND tỉnh cũng yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh, các sở, ngành liên quan và địa phương quyết liệt hơn nữa trong thực hiện công tác này. Trong đó, xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp vướng mắc theo quy định và tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho các KCN thu hút dự án đầu tư.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, toàn tỉnh hiện có 9 KCN còn vướng mắc trong công tác GPMB, gồm: Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2 mở rộng, Sonadezi Châu Đức, Mỹ Xuân B1-Đại Dương, Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, Cái Mép và Mỹ Xuân 2 với tổng diện tích hơn 390ha. |