Đó là ý kiến của Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại hội thảo “Đồng hành cùng DN ứng phó rủi ro từ khủng hoảng COVID-19” ngày 30/6.
Các DN đã phải tìm mọi cách vượt qua những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Trong ảnh: Người lao động Công ty CP liên hiệp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) trong giờ làm việc. |
Hội thảo do Sở Công thương phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Vũng Tàu (VCCI) tổ chức với mục tiêu đồng hành cùng DN, góp phần hỗ trợ, cung cấp thông tin hữu ích. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị tích cực giúp DN phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
Vượt “bão” COVID-19
Trong bối cảnh phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh trong 2 năm liên tục (2021-2022), nhiều DN phải xoay xở, tự tìm cho mình những hướng đi riêng để tồn tại, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho cả cộng đồng cùng chung tay vượt “bão” COVID-19.
Luật sư Bùi Thanh Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tư vấn DN B.T.Y (TP. Vũng Tàu) cho biết, gần 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hạt động tư vấn hỗ trợ pháp lý cho DN của công ty gần như bị ngưng trệ bởi nhiều vụ án tạm ngưng xét xử. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của các công ty Luật.
Trong thời kỳ dịch bệnh, Công ty nhận ra các phương thức tư vấn trực tiếp cho khách hàng không còn phù hợp, đành chấp nhận đóng cửa tự đào tạo. Khi dịch bệnh tạm thời lắng xuống, cuộc khủng hoảng sau đại dịch vẫn chưa kết thúc, Công ty hoạt động trở lại với muôn vàn khó khăn từ nhân sự, tài chính đến việc chuyển đổi số. Nhờ có một quá trình tự nhận diện, tự đào tạo nên dù khó khăn nhưng DN đã tìm được hướng đi riêng.
Theo thống kê của VCCI, tất cả các DN đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, nhóm DN tư nhân quy mô nhỏ có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 cao nhất với 87,7%. Các nhóm DN còn lại có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực thấp hơn một chút, ở mức 86,1%. Tác động của dịch COVID-19 với DN ở một số ngành chịu ảnh hướng lớn nhất là may mặc chiếm 97%, thông tin truyền thông chiếm tỷ lệ 96%, sản xuất thiết bị điện 94% và sản xuất xe có động cơ là 93%… |
“Chúng tôi bắt đầu phương thức kinh doanh mới là đào tạo hoàn thiện DN theo hình thức online và tư vấn trực tuyến. Công ty cũng nhận được những sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương trong việc giảm thuế, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử, cung cấp các chính sách pháp lý…”, Luật sư Yến chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho rằng, dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến quá trình hoạt động sản xuất của Công ty. Đặc biệt thời điểm tỉnh áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, đơn hàng của Công ty giảm mạnh, chi phí sản xuất gia tăng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty đã linh hoạt thích ứng với tình hình mới, bố trí sắp xếp phòng ban, tiết giảm chi phí, đồng thời triển khai ngay các biện pháp để giữ chân người lao động.
Năm 2022, Công ty đề ra nhiều mục tiêu trong đó, chủ yếu sẽ tập trung sản xuất các loại sản phẩm như dây cáp thép, cây cáp vải, palăng. Công ty cũng sẽ thực hiện đổi mới quy trình sản xuất tăng năng suất lao động; áp dụng công nghệ để sản xuất dây cáp siêu trường siêu trọng phục vụ cho việc nâng hạ các thiết bị tải trọng lớn.
“Ngoài tập trung dịch vụ cốt lõi là thiết bị nâng hạ cho ngành dầu khí, chúng tôi còn thử nghiệm triển khai một số mô hình phân phối dược phẩm. Hy vọng trong năm 2022, mô hình kinh doanh mới này sẽ cho kết quả tốt”, ông Bắc bày tỏ.
Người lao động sản xuất các thiết bị cơ khí tại Công ty Alpha ECC. |
Chính quyền đồng hành cùng DN
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ cần nhận diện những rủi ro, đánh giá tác động và nắm vững cách thức quản trị để không chỉ đưa ra các phương án phòng ngừa mà còn xây dựng kế hoạch triển khai trên thực tế sao cho hóa giải được những thách thức.
Sau đại dịch, các DN cần phải có 4 yếu tố: linh hoạt, đổi mới công tác quản trị, cắt giảm chi phí, kết nối với các DN đặc biệt trong hiệp hội ngành hàng. Tuy nhiên, vượt khó và sống sót thôi chưa đủ, DN muốn phát triển còn phải bắt nhịp xu hướng mới. Đó là lối sống xanh, năng lượng xanh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số.
“Sẽ khó có một lời giải, một cách thức quản trị phù hợp với tất cả DN, ở các quy mô hay ở mọi lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, đây có thể xem là một quy trình cơ bản, một mô hình quản trị phổ biến và có tính ứng dụng cao mà bất kỳ DN nào tham khảo khi xác định gia nhập thị trường, đối diện với những thách thức để vươn lên”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Hội nhập quốc tế tỉnh cho biết, năm 2021 và năm 2022 là khoảng thời gian nhiều khó khăn và thách thức đối với chính quyền, nhân dân và cộng đồng DN cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng khi dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, của tỉnh, sự quyết tâm của các DN trên địa bàn tỉnh, đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đã bước đầu đạt thành quả đáng khích lệ.
Tiếp tục quan điểm “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng DN và doanh nhân, UBND tỉnh thời gian tới sẽ thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại, hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đổi mới sáng tạo, phát triển thương mại điện tử, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Bài, ảnh: QUANG VŨ