(Trích tham luận của Giám đốc Sở GT-VT Trần Thượng Chí tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW)
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, khang trang, rộng khắp. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh đến năm 2020 cơ bản đã hoàn thành bộ khung kết cấu chung với 4.624,14km, trong đó có 2.662.45km đường được nhựa hóa.
Về cảng biển, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào khai thác 50 cảng chiều dài 17.164m, công suất 180 triệu tấn. Bến cảng container có 8 dự án với công suất 8,3 triệu TEU/năm. Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất Việt Nam có thể tiếp nhận được tàu container có tải trọng trên 200.000 DWT, trở thành một trong 20 cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn và nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất của thế giới.
Hệ thống cảng thủy nội địa cũng được đầu tư và phát triển không ngừng với 71 cảng bến thủy nội địa đã góp phần nhu cầu vận tải nội địa và trung chuyển hàng hóa, hỗ trợ cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải.
Mặc dù đạt được được nhiều thành tựu trong 15 qua về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và cảng biển, tuy nhiên kết quả vẫn chưa theo đúng kỳ vọng. Cơ sở hạ tầng giao thông kết nối vùng còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ quy hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất về kết hợp vận tải đa phương thức và nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển.
Ngoài tuyến quốc lộ 51 kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã quá tải, thường xuyên ùn tắc và luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, các tuyến đường giao thông kết nối vùng chưa được đầu tư như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Hiệu suất khai thác cảng biển trên địa bàn tỉnh đang đạt mức khá tốt, nhưng nguồn thu cho ngân sách địa phương chưa cao. Chỉ khoảng 14-15% số lượng container sử dụng đường bộ và làm thủ tục Hải quan tại Bà Rịa - Vũng Tàu, còn lại phần lớn hàng hóa vẫn sử dụng sà lan đường thủy nội địa để về thành phố Hồ Chí Minh và khoảng 10% đến các khu vực khác để thông quan.
Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng phục vụ kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới, Sở GTVT sẽ: Tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh huy động tất cả các nguồn lực để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển để tạo bước đột phá về cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng; khẩn trương thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, phấn đấu cơ bản hoàn thành công trình vào cuối năm 2025.
Phấn đấu tổ chức tổ chức khởi công xây dựng cầu Phước An trong tháng 9/2022 nhằm kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức- Long Thành để kết nối với phía Nam thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam bộ.
Thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án giao thông kết nối khu vực cảng Cái Mép- Thị Vải: đường 991B, đường sau cảng Mỹ Xuân, đường Long Sơn - Cái Mép, , đường ĐT992 đoạn từ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến quốc lộ 51 để kết nối các khu vực kinh tế và nâng cao hiệu quả khai thác cảng trung chuyển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư đường ven biển ĐT994, tuyến kết nối từ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến vòng xoay đường 3/2 thành phố Vũng tàu để phát triển du lịch, đô thị và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng triển khai đầu tư tuyến đường đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh để kết nối khu cảng Cái Mép- Thị Vải với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các khu vực công nghiệp, đô thị của 5 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh và Long An.
Phối hợp thúc đẩy Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó ưu tiên đầu tư đoạn đến cảng Cái Mép để phát triển vận tải đa phương thức và kết nối với mạng lưới đường sắt của quốc gia và đường sắt xuyên Á.
Về cảng biển, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng năng lực hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải; thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án cảng biển đầu tư đưa vào khai thác; tận dụng tối đa tài nguyên mặt nước, đường bờ để tối đa hóa chiều dài bến cảng đủ sức tiếp nhận nhiều tàu trọng tải lớn cùng lúc, thúc đẩy tiềm năng trung chuyển quốc tế; Từng bước rà soát sáp nhập các bến có quy mô nhỏ thành các dự án lớn để tăng năng lực hệ thống cảng; Khuyến khích các nhà đầu tư cảng biển lựa chọn đầu tư các trang thiết bị hiện đại tại cảng để nâng cao năng lực khai thác cảng bến; áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vận hành tại cảng bến để nâng cao năng suất.
Phối hợp với Bộ GTVT nạo vét luồng hàng hải để nâng cao khả năng xếp dỡ, vận chuyển, giải phóng tàu nhanh nhất. Trong đó ưu tiên nạo vét đoạn luồng từ phao số “0” đến khu bến container Cái Mép đạt độ sâu đến -15,5m và triển khai thực hiện công tác phân luồng hàng hải cho tàu lớn trên 20 vạn tấn ra vào thuận tiện, an toàn.
Thúc đẩy sớm hình thành Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ và hệ thống cảng thủy nội địa/cảng cạn/kho bãi/ICD vệ tinh thực hiện hoạt động gom, thông quan và xử lý hàng hóa hỗ trợ cho khu cảng Cái Mép - Thị Vải. Sớm hình thành trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung với trang thiết bị đầy đủ để kịp thời thông quan hàng hóa tại Cái Mép - Thị Vải. Phối hợp thúc đẩy Chi cục Hải quan khu vực Cái Mép hoạt động hiệu quả, thông quan hàng hóa nhanh chóng. Hỗ trợ đầu tư Trung tâm kiểm dịch khu vực Cái Mép để hỗ trợ thực hiện công tác kiểm dịch tại chỗ, giảm bớt thời gian đi lại và chi phí cho các chủ hàng, đại lý hàng hải.