Chuyển đổi số (CĐS) được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025. Do đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện CĐS toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, tài nguyên, môi trường…
Từ IOC tỉnh, các hoạt động kinh tế - xã hội - an ninh... được giám sát trên hệ thống một cách dễ dàng. |
CĐS cả 3 trụ cột
Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình CĐS của tỉnh là: kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Trong đó, kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.
Tỉnh đang dồn sức, ưu tiên thực hiện CĐS cho 4 ngành kinh tế trọng điểm. Để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết này, các ngành: công nghiệp, cảng biển, du lịch, và nông nghiệp công nghệ cao đã nhanh chóng thúc đẩy CĐS.
Ngành NN-PTNT đang xây dựng hệ thống thông tin cho ngành dựa trên nền tảng WebGIS mã nguồn mở, nhằm số hóa tất cả các hoạt động của ngành NN-PTNT từ sản xuất, tiêu thụ, dự báo thị trường, cảnh báo thiên tai, thời tiết… đến truy xuất nguồn gốc, tra cứu dịch bệnh và cả công tác chỉ đạo điều hành.
Ngành Du lịch cũng đã hoàn thành phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho các cơ sở kinh doanh lưu trú đăng ký thông tin lưu trú trên môi trường mạng, thay thế phương thức đăng ký lưu trú tuyền thống như trước, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Trong khi đó, công nghiệp và cảng biển cũng đã rục rịch CĐS từ nhiều năm trước và các ứng dụng CĐS trong ngành này đã thật sự phát huy tính năng, tác dụng trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng mà công nghiệp, cảng biển vẫn hoạt động suôn sẻ như thời gian qua.
Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, lợi ích căn bản mà chính quyền số mang lại là làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Đặc biệt, người dân và DN được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa DN và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống các ý kiến góp ý, phản hồi của người dân, DN các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, các quy trình nghiệp vụ... để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
IOC đã tích hợp thông tin của 10 lĩnh vực, phân hệ chức năng giúp việc giám sát, quản lý tốt hơn. |
Nhiều kết quả tích cực
Rõ ràng, CĐS đã làm thay đổi cách quản lý của chính quyền, giúp người dân làm chủ trong cuộc sống, tương tác dễ dàng hơn với chính quyền; là mấu chốt cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là với các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Theo Giám đốc Sở TT-TT Lê Văn Tuấn, nhờ sớm thực hiện CĐS, tỉnh đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là tỉnh thứ 8 và là tỉnh đầu tiên khai trương mạng 5G sau khi đợt dịch lần 4 được cơ bản kiểm soát. Ngoài ra, tỉnh cũng bước đầu thực hiện CĐS trong nông nghiệp với việc tạo 9.000 tài khoản cho hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; tiến hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh; thử nghiệm tổng đài giải đáp dịch vụ công tự động dựa trên công nghệ AI; là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai kết nối thành công chữ ký số công cộng với Cổng dịch vụ công của tỉnh...
Bà Rịa-Vũng Tàu đến nay đã cơ bản hình thành chính quyền điện tử. Từ tháng 7/2017, toàn bộ các cơ quan, đơn vị nhà nước ở tỉnh đã chấm dứt việc chuyển văn bản giấy. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đến 21 sở, ban, ngành; 8 UBND huyện, thị xã, thành phố; 82 xã, phường, thị trấn, đáp ứng việc liên thông 4 cấp. Hơn 90% CB-CCVC sử dụng thư công vụ trong trao đổi công việc, góp phần tiết kiệm thời gian, giấy tờ, trao đổi công việc nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo an toàn.
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã triển khai và đưa vào sử dụng phục vụ công tác chuyên môn; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và điều hành, như: Cơ sở dữ liệu ngành TN-MT; cơ sở dữ liệu về đăng ký DN; quản lý CB-CCVC; cơ sở dữ liệu về giá; cơ sở dữ liệu về hộ tịch; phần mềm tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo… Ngoài ra, tỉnh có 1 cổng thông tin điện tử và 28 trang thông tin điện tử thành phần; cung ứng dịch vụ công mức độ 3, 4 trên môi trường mạng từ 19 sở, ban, ngành, 8 huyện, thị xã, thành phố và 82 đơn vị cấp xã triển khai thực hiện.
Để thúc đẩy CĐS, trong năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chính như: 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) sử dụng nền tảng số; 50% sử dụng hợp đồng điện tử, 80% sử dụng hóa đơn điện tử; 50% có tên miền .vn; nghiên cứu Nền tảng cảng biển thông minh phục vụ lưu thông liên cảng (“cảng mở”), tối ưu hóa việc luân chuyển container và vận chuyển hàng hóa; 30% hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; tỷ lệ điện thoại thông minh trên dân số đạt 95%; 90% hộ gia đình có Internet cáp quang; 60 - 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử; 80% hộ gia đình dùng công tơ điện tử ghi số tự động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo, y tế, viễn thông, điện, nước, thương mại... |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh đã nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình CĐS, đặc biệt là vấn đề dữ liệu và thanh toán trực tuyến. Cụ thể, cơ sở dữ liệu một số ngành hiện chưa đầy đủ, còn sử dụng phần mềm cũ hoặc quản lý số liệu trên excel dẫn đến không thể kết nối, phân tích dữ liệu theo thời gian thực.
“Bà Rịa-Vũng Tàu hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ CĐS, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 cơ bản hoàn thành CĐS, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành đô thị thông minh”, ông Lê Văn Tuấn nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, năm 2022, Sở TT-TT tiếp tục đề xuất 13 nhiệm vụ trọng tâm về chính quyền số; 10 nhiệm vụ về kinh tế số; 12 nhiệm vụ về xã hội số. Đồng thời, Sở cũng đề ra các chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt cho các lĩnh vực y tế; giáo dục; điện; nước; viễn thông, truyền hình; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và một số chỉ tiêu cho ngành ngân hàng.
Bài, ảnh: QUANG VŨ