Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa

Chủ Nhật, 26/06/2022, 17:48 [GMT+7]
In bài này
.

Mùa mưa là thời điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát, dễ lây lan trên diện rộng. Do đó, công tác quản lý, giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi đang được ngành chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ.

Thời điểm chuyển mùa, ông Vũ Ngọc Huấn (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) tăng cường vệ sinh chuồng trại.
Thời điểm chuyển mùa, ông Vũ Ngọc Huấn (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) tăng cường vệ sinh chuồng trại.

Vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ

Năm nào cũng vậy, vào đầu mùa mưa là ông Nguyễn Văn Tỏa (ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức) lại vệ sinh chuồng trại chăn nuôi heo sạch sẽ, sát trùng, khử khuẩn mọi ngóc ngách. Theo ông Tỏa, thời tiết ẩm ướt là tác nhân gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm. Vì vậy, ông đã chủ động phòng dịch, đồng thời tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn heo gần 120 con.

Trong quá trình nuôi, ngoài việc hoàn toàn cách ly chuồng trại với môi trường bên ngoài, gia đình ông Tỏa còn thường xuyên khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột và hóa chất. “Người chăn nuôi phải ưu tiên phòng, chống dịch, sau đó mới tính đến chuyện nuôi, chăm sóc, cho ăn. Trước đây, mỗi tuần tôi phun xịt 1 lần, nay mưa nắng thất thường, tôi càng chú trọng hơn trong công tác vệ sinh, đặc biệt là việc khử trùng được làm thường xuyên, hầu như hàng ngày để đàn heo không bị nhiễm bệnh”, ông Tỏa thông tin thêm.

Để bảo đảm an toàn cho 3.000 con vịt khi mùa mưa tới, ông Nguyễn Sỹ Hữu (ở ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) đã chủ động chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin, đồng thời chú trọng điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin tăng sức đề kháng cho đàn vịt phát triển tốt.

Theo ông Hữu, vịt là gia cầm dễ mắc bệnh về hô hấp, đường ruột và tả. Do đó, ngoài việc tiêm phòng vắc xin theo định kỳ hướng dẫn của cán bộ thú y xã, ông cũng thường xuyên rắc vôi bột xung quanh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun xịt thuốc sát khuẩn theo định kỳ 1 đến 2 lần/tháng. Ông Hữu còn lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, theo dõi chặt chẽ. Khi vịt xuất hiện bất kỳ biểu hiện lạ, ông sẽ tách đàn để theo dõi.

“Ngoài công tác vệ sinh chuồng trại, chú trọng nguồn thức ăn sạch, đầy đủ dinh dưỡng, tiêm vắc xin tụ huyết trùng, phòng dịch tả, cho uống men tiêu hóa, tôi cũng thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn vịt. Khi phát hiện con nào có biểu hiện lạ, nguy cơ mắc bệnh, tôi sẽ tách đàn, đồng thời theo dõi để tránh dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng tới cả đàn”, ông Hữu cho hay.

“Nhiều năm nay, nhờ chủ động công tác phòng, chống dịch trước thời điểm mỗi mùa mưa, đàn heo của gia đình tôi luôn được an toàn, ít khi bị dịch bệnh tấn công. Ngoài sự chủ động phòng dịch của gia đình, trước mùa mưa, cán bộ thú y huyện còn đến tiêm phòng cho đàn heo của gia đình, đồng thời tư vấn, hướng dẫn chúng tôi sử dụng các biện pháp khử trùng, vệ sinh đúng cách. Nhờ đó, đàn heo của gia đình tôi luôn khỏe mạnh. Ngay cả khi dịch tả heo châu Phi hoành hành, đàn heo của gia đình tôi vẫn an toàn”.
(Ông Vũ Ngọc Huấn, xã Bình Ba, huyện Châu Đức)

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Theo ngành chăn nuôi, toàn tỉnh có khoảng 370 ngàn con heo và gần 6,4 triệu con gia cầm. Để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, từ đầu tháng 3/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y căn cứ vào số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm ở từng địa phương đã bàn giao thuốc tiêm phòng các loại dịch bệnh như: cúm gia cầm, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng; thực hiện tiêm phòng trước khi mùa mưa đến; khẩn trương triển khai tiêu độc khử trùng ở các khu vực chăn nuôi với số lượng lớn.

Tại các lò giết mổ tập trung, các điểm chợ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách vệ sinh nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kịp thời phát hiện và tiêu hủy những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, nhờ chủ động làm tốt công tác phòng dịch, từ đầu năm đến nay các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được kiểm soát tốt. Tổng sản lượng thịt hơi các loại cung cấp ra thị trường đạt gần 9.000 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm của ngành chức năng và người chăn nuôi đã góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi của tỉnh.

Đối với việc phòng tránh dịch bệnh thời điểm giao mùa, ông Trung khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường công tác tiêu độc khử trùng thường xuyên và tiêm phòng vắc xin những bệnh thường xảy ra; bổ sung khoáng chất, vitamin và men sinh học để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chọn con giống nơi uy tín, bảo đảm an toàn. Quá trình nuôi phải cách ly sau 1 thời gian mới cho nhập đàn.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.