.

CHẬT VẬT CHỐNG CHỌI TRONG CƠN "BÃO GIÁ" - Kỳ 2: Doanh nghiệp ở thế "chịu trận"

Cập nhật: 19:27, 15/06/2022 (GMT+7)

Giá xăng dầu liên tục tăng khiến DN sản xuất, xuất khẩu như “ngồi trên lửa” khi giá nguyên liệu tăng, còn giá hàng hóa chưa thể tăng ở mức tương ứng. Những DN đã có đơn hàng xuất khẩu từ nửa năm trước gần như chỉ biết “chịu trận”.

DN đang từng bước cải tiến về công nghệ, giảm chi phí sản xuất để thích nghi với bối cảnh, chi phí đầu vào tăng mạnh hiện nay.  Trong ảnh: Công nhân Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam CJ trong giờ làm việc.
DN đang từng bước cải tiến về công nghệ, giảm chi phí sản xuất để thích nghi với bối cảnh, chi phí đầu vào tăng mạnh hiện nay. Trong ảnh: Công nhân Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam CJ trong giờ làm việc.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng 10-30%

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cho hay, giá xăng dầu liên tiếp tăng khiến giá nguyên vật liệu tăng thêm từ 10-20% tùy chủng loại sản phẩm. Đơn cử như giá bạch tuộc, nếu như trước đây dao động từ 115-120 ngàn đồng/kg thì nay đã ở mức 140-145 ngàn đồng/kg.

Không chỉ nguyên liệu trong nước tăng mà nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng giá mạnh. Trong khi đó, DN rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng. Ngoài ra, nếu tăng giá, DN cũng sẽ đối mặt với việc mất khách hàng.

“Giá dầu tăng khiến chi phí của DN bị đội lên khoảng 20-25%, bao gồm cước vận chuyển, chi phí nguyên phụ liệu sản xuất. Mặc dù vậy, DN vẫn “gồng” để thực hiện các đơn hàng vì có nhiều đơn hàng đã ký trước từ 3-6 tháng. Hơn nữa, chúng tôi buộc phải sản xuất không chỉ để giữ uy tín với đối tác mà còn giữ chân người lao động. Dù 5 tháng đầu năm doanh thu tăng nhưng chi phí bán hàng, đặc biệt là cước vận tải tăng gần 3 lần không thể bù đắp cho chi phí đầu vào. DN đang rất chật vật vì vật giá leo thang”, ông Dũng cho biết thêm.

Phản ánh từ các DN cho thấy, biến động tăng của giá nhiên liệu, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khó khăn và khan hiếm đang khiến nhiều ngành hàng sản xuất, chế tạo, chế biến gặp nhiều khó khăn. Bởi trước những tác động của hàng loạt yếu tố như giá nguyên vật liệu tăng, giá vận chuyển tăng, các loại chi phí khác đều phát sinh... sẽ “bóp nghẹt” những DN đang nỗ lực hồi sinh.

Tính toán từ các DN cho thấy, ngoài giá nguyên vật liệu tăng từ 10-30%, giá cước container hiện vẫn ở mức cao gấp 3-4 lần so với đầu năm 2021. Tổng cộng  giá đầu vào của hàng hóa đã tăng khoảng 40-50%.

Bộ Công thương đã chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất, xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép... Đồng thời nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, điện tử…, Bộ Công thương cũng đang tìm giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu...
Tại BR-VT, tỉnh đang triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động ổn định và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Yang San Hsien, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiwnkle Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 Conac, TX. Phú Mỹ) cho biết, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Canada… tới tháng 9/2022. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang là vấn đề khó khăn nhất của DN.

“70% nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, trong đó, Trung Quốc chiếm đến 60%. Chi phí vận chuyển, logistics cũng rất cao nên DN khó đáp ứng kịp thời các đơn hàng. Một số đơn hàng đã bị đối tác hủy hoặc DN chưa dám ký thêm đơn hàng mới”, ông Yang San Hsien chia sẻ.

Ông Tôn Chấn Vinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH LT Garments (TP.Bà Rịa) cho biết, vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, từ đầu năm đến nay công ty đã nhanh chóng khôi phục sản xuất và các đơn hàng xuất khẩu tăng thêm 20% và DN đã ký các đơn hàng tới tháng 8/2022.

Tuy nhiên, với giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng “phi mã” như hiện nay, DN chỉ còn cách giảm lợi nhuận hết cỡ, đàm phán giá với những hợp đồng mới, nhưng chỉ được ở ngưỡng lợi nhuận 50% mức cũ.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.

Loay hoay tìm cách ứng phó

Trước tình hình trên, nhiều DN đã tối ưu hóa chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Ông Trần Văn Dũng cho biết, công ty đang triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất lao động để bù đắp một phần cho việc giá nguyên vật liệu tăng. Một số DN tăng cường kiểm soát tất cả các khâu sản xuất để tiết giảm tối đa chi phí.

Dù đã chủ động điều tiết dòng tiền, dự trữ lượng hàng sản xuất tồn kho nhưng rất khó để DN có thể trụ vững trong thời gian dài. Ông Sển Gìn Phắn, Giám đốc Nhà máy Yuan Hong, Công ty TNHH YUAN HONG  (KCN Mỹ Xuân A) chia sẻ, mặc dù DN đã cân đối, tính toán chi tiết từng loại chi phí nhưng có thể nói cơn “bão giá” lần này ngoài sức chịu đựng, khi DN không còn dư địa tiết kiệm (chi phí vận tải, nhân công) nhằm bù giá.

Các DN kỳ vọng Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ thực chất và bền vững để chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường. Trước mắt việc cần thiết nhất là giảm các loại chi phí liên quan tới hạ tầng vận tải. Các DN kiến nghị, Nhà nước, các bộ, ngành có những giải pháp để ổn định giá nguyên liệu.

Song song đó, để duy trì đơn hàng, các DN cũng đang tích cực xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp, xác định cơ cấu thị trường, khách hàng chính cho từng loại sản phẩm và tăng cường phát triển thị trường mới. Đồng thời, dự trữ nguồn nguyên liệu, nghiên cứu sản phẩm thế mạnh của mình.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.