.

NGÀY KHÔNG TIỀN MẶT 16/6: Thay đổi thói quen thanh toán

Cập nhật: 19:17, 15/06/2022 (GMT+7)

Sau 3 năm tổ chức, sự kiện “Ngày không tiền mặt” đã tạo sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo của người dân, DN. Thống kê của NHNN cho biết, tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Vũng Tàu.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Vũng Tàu.

Tăng trưởng mạnh mẽ

“Ngày không tiền mặt” bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán. Người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Đánh giá của NHNN cho biết, trong những năm gần đây, TTKDTM qua dịch vụ ngân hàng điện tử không ngừng tăng. Đây là kết quả từ quá trình nỗ lực của các ngân hàng trong việc đẩy mạnh đổi mới công nghệ, phát triển ngân hàng số.

Bà Nguyễn Thanh Thuỷ, Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bà Rịa cho biết: Hiện nay, tỷ lệ giao dịch thực hiện qua kênh ngân hàng số của BIDV Bà Rịa chiếm tỷ lệ lớn. Chẳng hạn, năm 2021, tổng số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng là 1,8 triệu lượt, trong đó giao dịch thực hiện qua kênh ngân hàng số là 1,5 triệu lượt, chiếm tỷ lệ 83%. Số lượng giao dịch tại quầy là 0,3% triệu lượt, chiếm 17%. Tỷ lệ các kênh số và tự phục vụ (mở tài khoản, gửi/rút tiền online, chuyển tiền, thanh toán, thu chi hộ (điện, nước, học phí,…), mua bán ngoại tệ, đăng ký phát hành thẻ chiếm tới 91% tổng giao dịch, đưa tỷ trọng giao dịch xử lý tại các quầy giảm còn 9%.

Ngoài ra, BIDV Bà Rịa cũng đã triển khai thu hộ học phí cho 20 trường học trên địa bàn, trong đó thu hộ online qua phần mềm SSC là 11 trường.

Nâng cấp hệ thống chấp nhận TTKDTM

Việc TTKDTM đã giúp người dùng dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện và nhóm đối tượng khách hàng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn bảo mật với quy trình thủ tục đăng ký hiện đại, đơn giản; đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đòi hỏi ngày càng cao của người dùng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ, hiện nay hệ thống TTKDTM chưa thực sự đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến sự kết nối giữa trung gian thanh toán cùng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hoá. Tỷ lệ bị lỗi thanh toán vẫn còn cao. Ông Trần Công Hiếu, Phó Giám đốc Co.opMart Bà Rịa cho rằng, cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn chấp nhận những rủi ro để thúc đẩy TTKDTM. Trong đó, cần có giải pháp quy hoạch tổng thể, nâng cấp hệ thống chấp nhận POS, hệ thống chấp nhận thanh toán cũng như quy hoạch lại các đơn vị cung ứng dịch vụ TTKDTM. Đồng thời, nâng cao biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và người bán hàng trong giao dịch sử dụng các hình thức TTKDTM để có tính đồng bộ, nhất quán.

Trong khi đó, đại diện Điện lực Bà Rịa đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo đến các phường, xã tuyên truyền đến các hộ dân trong các cuộc họp tổ dân cư để người dân nắm bắt chủ trương, cùng đồng hành với điện lực; hỗ trợ chỉ đạo 100% cán bộ, viên chức trực thuộc thực hiện TTKDTM, thanh toán tiền điện tự động qua ngân hàng hoặc các kênh khác như ví điện tử (momo, airpay…).

Về phía mình, ngân hàng cần giảm (hoặc không tăng) các loại phí dịch vụ liên kết thanh toán; tiếp tục mở rộng liên kết các kênh thanh toán trực tuyến, tạo tiện ích cho khách hàng nhằm thu hút nhiều người dùng hơn nữa.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Tại BR-VT, trong 6 tháng đầu năm 2022, NHNN, Chi nhánh BR-VT tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và vận hành hệ thống thanh toán điện tử đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn. TTKDTM qua các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh ước đạt 38 triệu món với doanh số thanh toán 1.200 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Thanh toán điện tử liên ngân hàng tại NHNN, chi nhánh tỉnh ước đạt 2.300 món với doanh số thanh toán là 38.900 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 5/2022, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đã mở được 1.425.364 tài khoản, trong đó học sinh, sinh viên là 102.651 tài khoản.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.