Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tăng lãi suất huy động, khiến DN lo lắng lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên. Tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định vẫn ưu tiên dòng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sẽ có nhiều gói vay ưu đãi dành cho DN.
Khách hàng giao dịch tại BIDV, chi nhánh Phú Mỹ. |
Lãi suất huy động tăng
Thông tin từ NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết, trong tháng 5/2022, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục điểu chỉnh tăng nhẹ mức lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài trên 6 tháng, áp dụng cho cả phương thức gửi tiền tại quầy và tiền gửi online.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) là một trong những ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi cả trên kênh huy động trực tuyến lẫn tại quầy. Hiện lãi suất tiết kiệm online cao nhất tại SHB ở mức 6,7%/năm cho kỳ hạn từ 36 tháng, tăng 0,35%/năm so với trước và 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,3%/năm. Với tiền gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động cũng tăng 0,4%/năm lên mức 6,5-6,6%/năm với kỳ hạn 36 tháng và 6,1-6,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 15 tháng lên 0,2%/năm so với hồi đầu tháng 4 lên mức 6,5%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), lãi suất tiết kiệm tăng từ 0,15-0,24%/năm tại một số kỳ hạn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,24%/năm lên 5,75%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,18%/năm lên mức 5,39%/năm.
Qua khảo sát tại các ngân hàng thương mại cho thấy, nhìn chung mức lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 5,6-7,3%/năm.
Việc tăng lãi suất huy động đã thu hút một lượng tiền gửi lớn từ người dân quay trở lại hệ thống ngân hàng. Thống kê từ NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết, ước đến cuối tháng 5/2022, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế đạt 179.800 tỷ đồng, tăng 2,15% so với cuối năm 2021, tăng 1,18% so với tháng trước (+2.096 tỷ đồng). Trong đó, tiền gửi tiết kiệm đạt 95.900 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cuối năm 2021, chiếm 53,34% tổng nguồn huy động.
Nhiều gói vay hỗ trợ khách hàng
Việc tăng lãi suất huy động khiến nhiều DN lo ngại lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các ngân hàng, trong chiến lược hoạt động kinh doanh năm 2022, các ngân hàng khẳng định vẫn ưu tiên dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Các ngân hàng trên địa bàn đang tiếp tục triển khai, thực hiện các chương trình cho vay mới với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và DN nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định, phát triển kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Theo bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc Vietinbank, chi nhánh BR-VT, với mong muốn hỗ trợ DN duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2022, Vietinbank tiếp tục duy trì các gói ưu đãi lãi suất vay vốn để đồng hành và hỗ trợ khách hàng sau đại dịch với mức giảm từ 3-4%/năm so với lãi suất cho vay thông thường 9-12% năm.
Tương tự, ông Lê Trung Dũng, Phó Giám đốc BIDV, chi nhánh Phú Mỹ cho biết, chi nhánh đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng DN với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5%-1,5% so với mức lãi suất thông thường nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DN.
Đánh giá từ NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết, dù lãi suất huy động tăng, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn vẫn duy trì ổn định. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao tối đa là 4,5%/năm; đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường từ 6-10%/năm.
Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên ở phổ biến ở mức 7-10%/năm. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 8,5-11,5%/năm.
Bài, ảnh: PHAN HÀ