Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thị trường

Thứ Ba, 24/05/2022, 20:13 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh đã tăng kết nối giao thương, tìm kiếm khách hàng và chủ động tiết giảm chi phí để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Các DN tham gia hoạt động kết nối giao thương do OBC Chapter Dynamic Bà Rịa tổ chức.
Các DN tham gia hoạt động kết nối giao thương do OBC Chapter Dynamic Bà Rịa tổ chức.

Đẩy mạnh kết nối giao thương

Công ty TNHH MTV may mặc Unigar (TP. Bà Rịa) đi vào hoạt động từ năm 2019, chuyên thiết kế và may đồng phục. Vừa mới tạo dựng được thương hiệu thì ảnh hưởng của dịch COVID -19 trong 2 năm qua đã khiến DN đối mặt không ít khó khăn về thị trường đầu ra. Unigar đã nỗ lực tìm các giải pháp ổn định sản xuất, trong đó tham gia các phiên chợ do Cộng đồng kết nối DN Việt Nam (OBC Việt Nam) tổ chức.

"Hiện DN đã dần khôi phục sản xuất và tích cực tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường, khách hàng để hoàn thành kế hoạch năm", bà Cao Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV may mặc Unigar nhấn mạnh.

Trong thời điểm giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng, kéo theo giá cả hàng hóa cũng tăng theo, việc kết nối DN càng có ý nghĩa kích cầu tiêu dùng. Trước mong muốn của DN, cuối tháng 4 vừa qua, OBC Việt Nam tổ chức chương trình kết nối giao thương với gần 100 DN thuộc 30 tỉnh, thành trong cả nước. Qua chương trình các DN không chỉ học hỏi thêm kinh nghiệm bán hàng, tìm kiếm khách hàng mà tìm thêm được các khách hàng mới.

Ông Nguyễn Văn Hòa, nhà sáng lập OBC Việt Nam cho biết, OBC Việt Nam luôn đồng hành và tổ chức các hoạt động kết nối giao thương nhằm chia sẻ khó khăn, tạo không gian vận động cho DN. Các hoạt động kết nối giao thương do OBC Việt Nam tổ chức dựa trên sự kết nối các DN trong từng lĩnh vực giống nhau và tạo thành chuỗi phát triển; cung cấp kiến thức về kinh doanh cho DN; giới thiệu quảng bá sản phẩm, kết hợp với kết nối, bán hàng và ký kết trực tiếp các đơn hàng.

“Chúng tôi kỳ vọng những chương trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp DN nhỏ và vừa tìm kiếm thêm đối tác, ổn định lại và mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng khách hàng tiềm năng”, ông Hòa chia sẻ.

Công nhân Công ty CP Liên hợp Mêkông sản xuất cáp thép tại xưởng.
Công nhân Công ty CP Liên hợp Mêkông sản xuất cáp thép tại xưởng.

Tăng cường hỗ trợ DN

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh BR-VT, tính đến hết tháng 4/2022, các các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 4.200 khách hàng, với tổng trị giá (gốc và lãi) hơn 4.200 tỷ đồng. Đối với chính sách giảm lãi suất cho vay khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gần 42 ngàn khách hàng đã được miễn giảm lãi suất với số tiền lãi miễn giảm hơn 173 tỷ đồng cho tổng trị giá nợ hơn 44 ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai các chương trình miễn, giảm phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuế… đối với DN, hộ kinh doanh...

Tỉnh BR-VT cũng đang tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung, chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các hiệp hội và địa phương tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của DN.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh BR-VT tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai đầy đủ kịp thời và có hiệu quả các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, DN; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Công thương tiếp tục tăng cường nắm bắt các nhu cầu thị trường của các DN để có chương trình hỗ trợ các DN một cách tốt nhất. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giúp DN quảng bá, mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch.

Theo ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh, Hiệp hội sẽ chủ động và thực hiện tốt chức năng là cầu nối tham mưu, đề xuất với các cấp chính quyền tỉnh, sở, ban, ngành về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ gắn với hoạt động thiết thực của DN. Bên cạnh đó, tiếp tục đồng hành và tháo gỡ những vướng mắc về mặt bằng, đất đai, thuế, tài chính, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN.

"Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, DN cũng cần chủ động đầu tư và ứng dụng CNTT; nâng cao trình độ quản trị. Đặc biệt là hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Kháng đề nghị.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.