Triển khai đồng bộ giải pháp chống ngập ở đô thị

Thứ Tư, 11/05/2022, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

5 năm trở lại đây, BR-VT thường có nhiều trận mưa lớn, kéo dài, làm hệ thống thoát nước của nhiều địa phương bị quá tải, gây ngập úng cục bộ. Điều này đòi hỏi phải kết hợp các biện pháp để phòng, chống ngập úng hiệu quả.

Công nhân Busadco thi công nạo vét các tuyến ống trên đường Chu Mạnh Trinh, TP. Vũng Tàu.
Công nhân Busadco thi công nạo vét các tuyến ống trên đường Chu Mạnh Trinh, TP. Vũng Tàu.

Vẫn còn tình trạng ngập cục bộ

Năm 2022, mùa mưa đến sớm hơn những năm trước. Từ giữa tháng 4 đến nay đã có nhiều trận mưa lớn xảy ra khắp các huyện, thị, thành phố. Trận mưa tối 15/4 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Vũng Tàu bị ngập khoảng 20-30cm. Do mưa xảy ra vào tối muộn nên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình lưu thông của các phương tiện.

Công ty CP khoa học – công nghệ Việt Nam (Busadco) đã huy động hàng trăm cán bộ, công nhân viên ra hiện trường để rà soát hệ thống thoát nước, vớt rác, khơi thông dòng chảy… Tuy nhiên, khu vực cống thoát nước ở ngã ba đường Hạ Long – Quang Trung – Trương Công Định ngập khá sâu bởi đây điểm thoát nước mưa rất lớn của TP.Vũng Tàu, lượng nước từ các tuyến đường chính trong thành phố đều đổ về đây.

Ông Nguyễn Sĩ Quế, Giám đốc Ban Kỹ thuật, Công ty Busadco cho  biết, tại TP.Vũng Tàu việc thoát nước chủ yếu theo hai hướng: thoát nước trực tiếp ra biển; hoặc nước mưa chảy về các kênh, hồ trước khi đổ ra biển.

Những năm gần đây, TP. Vũng Tàu đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước tại một số “điểm nóng” trên  các  tuyến  đường Lê Hồng Phong, Trương Công Định, Huyền Trân Công Chúa… nhưng khi mưa lớn, nước vẫn không tiêu thoát kịp dẫn đến ngập cục bộ.

Nguyên nhân chính là do hệ thống kênh mương thoát nước của thành phố đang bị lấn chiếm, có nhiều nơi, chiều rộng bờ kênh thu hẹp chỉ còn 1,5-2m so với 10-15m chiều rộng như thiết kế ban đầu. Tổng diện tích hồ điều hòa TP.Vũng Tàu chỉ còn khoảng 34,28ha.

Khi mưa lớn, gặp lúc triều cường dâng, các hồ điều hòa hiện hữu không đủ khối tích để chứa nước chảy dồn ra từ tuyến kênh chính. Bên cạnh đó, người dân còn xả rác, xà bần xuống kênh làm tắc nghẽn dòng chảy… khiến lượng nước của toàn thành phố dồn về, thoát không kịp, gây ngập.

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện còn 32 điểm ngập úng khi mưa to. Trong  đó, TP.Vũng Tàu có 19 điểm, tập  trung  ở  các khu  vực: giao lộ Hạ Long-Trương Công Định; giao lộ Lê Lợi-Lê Hồng Phong; giao lộ Trần Đồng-Nam Kỳ Khởi Nghĩa; vòng xoay Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Thái Học; vòng xoay Tượng đài Dầu khí, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường 30/4 (đoạn trước Xí nghiệp Vận tải biển và công tác lặn Vietsovpetro).

QL51, đoạn qua địa bàn TX. Phú Mỹ có 9 điểm thường xuyên ngập nước khi mưa lớn. Trong đó, ngập nặng nhất là tại các khu vực giao với đường 81, đường Chinfon, trước chùa Huệ Minh, chùa Bửu Thiên, chùa Đại Tòng Lâm, KP.Ngọc Hà và Vạn Hạnh (TT. Phú Mỹ).

Đã sẵn sàng phương án chống ngập

Theo ông Tôn Thất Kha, Tổng Giám đốc Busadco, hệ thống thoát nước TP.Vũng Tàu gồm 411,6km đường cống các loại với 6 hồ điều hòa, 2 cống điều tiết triều, 8 trạm bơm, 9 cống ngăn triều tại đê bao, 39 giếng tách dòng, 32 cửa xả chính…

Hiện nay khả năng xảy ra ngập úng trên diện rộng đối với TP.Vũng Tàu là rất khó xảy ra nhưng ngập úng cục bộ ở một số điểm nóng là vẫn còn. Vì vậy, trong 8 đơn vị huyện, thị, Busadco phải xây dựng riêng phương án chống ngập úng trên địa bàn TP. Vũng Tàu.

Cụ thể, theo phương án chống ngập úng năm 2022, Busadco đã tiến hành diễn tập phòng chống ngập úng tại cống xả lũ khu vực Bãi Trước (TP.Vũng Tàu) và một số khu vực cống xã trên địa bàn các địa phương còn lại.

Đồng thời, ngay từ đầu năm 2022, Busadco đã thiết lập bản đồ hiện trạng hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát, xây dựng các kịch bản ngập úng; giám sát diễn biến tình hình ngập úng; duy trì kiểm tra hệ thống cọc tiêu tại các cửa thu, cửa xả, hệ thống hồ điều hòa kênh mương thoát nước chính và cống ngăn triều để kiểm soát và điều tiết cao độ mực nước chống ngập.

Đến cuối tháng 4, cơ bản công tác nạo vét, giải tỏa thông thoáng hệ thống ao hồ, kênh mương thoát nước… cũng đã cơ bản hoàn thành.

Tại TP. Bà Rịa, các phương án chống ngập được tập trung tại các tuyến thoát nước chính rạch Thủ Lựu, cống băng đường QL.51A, QL.56, đường Cách mạng Tháng Tám… Ngoài nạo vét, khơi thông dòng chảy, Busadco cũng bố trực lực lượng tuần tra kiểm tra các cống qua đường không để tình trạng cành cây ngăn bịt dòng chảy. Phối hợp với đơn vị quản lý hệ thống mương thủy lợi xả nước ra sông kịp thời khi có mưa lớn.

Riêng tại TX. Phú Mỹ, mùa mưa năm nay tình  trạng  ngập  úng  cục  bộ  trên  tuyến  QL.51 vẫn xảy ra  khi  có  mưa  lớn  do dự án thoát nước cho tuyến này chưa hoàn thiện. Trong khi hệ thống thoát nước của TX.Phú Mỹ hiện tại chỉ có khoảng 179km đường cống các loại và 31,5km kênh mương nội đồng...

Theo Sở Xây dựng, về lâu dài ngoài việc đầu tư hệ thống thoát nước thì việc nạo vét các kênh mương, yêu cầu các hộ dân tháo dỡ các công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước, cải tạo hồ điều hòa… mới là giải pháp căn cơ trong công tác chống ngập.

Hiện TX. Phú Mỹ và các huyện đã có kế hoạch đầu tư xây dựng dự án thu gom, xử lý nước thải đô thị; tuyến mương thoát nước và hệ thống thu gom nước thải. Khi các dự án này được triển khai đồng bộ và đưa vào vận hành, BR-VT sẽ cơ bản giải quyết được các điểm nóng về ngập úng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.