Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng

Thứ Ba, 10/05/2022, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trừ dầu thô tiếp tục duy trì tăng trưởng với mức tăng 8,21% so với cùng kỳ. Một số thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh và mở cửa giao thương trở lại, nên các DN đã tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.

Công nhân Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Hải Dương trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Hải Dương trong giờ làm việc.

Đơn hàng dồi dào

Công ty TNHH Lamell (TP. Bà Rịa) chuyên sản xuất các sản phẩm may thủ công với các đơn hàng theo thiết kế xuất khẩu đi các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Singapore... Ngoài nhà máy chính tại TP. Vũng Tàu với hơn 200 công nhân, công ty còn có hơn 10 nhà máy vệ tinh hoạt động thường xuyên với khoảng 200 - 300 lao động.

Ông Võ Văn Bình, Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Lamell cho biết, sau khi áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ, DN đã chuẩn bị rất kỹ để sản xuất trở lại bình thường. Bên cạnh đó, nhờ mở rộng quy mô sản xuất và tận dụng các ưu đãi từ các FTA, trong đó có Hiệp định RCEP nên từ đầu năm đến nay tình hình xuất khẩu của công ty có những khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu tăng 40% so với cùng kỳ. Hiện tại công ty đã có đơn hàng bảo đảm đủ việc làm cho người lao động đến đầu quý IV/2022.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood, mặc dù tình hình thế giới còn gặp khó khăn, tuy nhiên nhu cầu sử dụng các sử dụng sản phẩm thủy sản vẫn ổn định và có sự tăng trưởng. Năm 2022, DN dự kiến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 20%. Ngay từ đầu năm, DN đã tăng tốc sản xuất sẵn sàng các đơn hàng cho đối tác. Tính hết quý I/2022, DN đã xuất khẩu hơn 2.000 tấn hải sản các loại, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu vui để DN nỗ lực sản xuất và hoàn thành kế hoạch năm đã đề ra.

Theo đánh giá của Sở Công thương, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng khả quan. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô toàn tỉnh tăng 8,21% so với cùng kỳ, tương đương hơn 2 tỷ USD, đạt 33,66% kế hoạch năm. 

Công nhân Công ty Baseafood chế biến thủy sản xuất khẩu tại xưởng.
Công nhân Công ty Baseafood chế biến thủy sản xuất khẩu tại xưởng.

Tận dụng FTA để tăng xuất khẩu 

Lý giải nguyên nhân khiến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh những tháng đầu năm tăng cao, Sở Công thương cho biết, một mặt do các DN xuất khẩu đã nỗ lực huy động tối đa nguồn lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và hồi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới và đang tăng tốc sản xuất để hoàn thành tiến độ các đơn hàng trong năm 2022. Một số thị trường xuất khẩu cũng kiểm soát tốt dịch bệnh và mở cửa giao thương trở lại cộng với tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA nên các DN xuất khẩu đã đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có nhiều tiềm năng.

Bên cạnh đó, do các điều kiện kiểm dịch đối với vận tải biển được nới lỏng nên khối lượng hàng hoá xuất khẩu thông qua cảng bằng tàu biển cũng tăng. Sở Công thương cũng đã triển khai, hỗ trợ cung cấp thông tin đến các các đơn vị liên quan và DN, HTX trên địa bàn tỉnh về các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc để DN nắm tình hình, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu các đơn hàng trong những tháng đầu năm 2022.

Các FTA được thực thi đã tác động lớn đến nền kinh tế thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh nói chung sang các nước tham gia hiệp định đã có sự tăng trưởng. Khi tham gia các hiệp định này, các DN phải tuân thủ các quy định trong các FTA và phải tái cấu trúc, nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch xuất xứ hàng hóa… để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Khi việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu thì xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mặt khác, việc tham gia các FTA giúp cho nhiều mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước có giá thấp hơn, do đó, chi phí sản xuất của các DN được cắt giảm, giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước để xuất khẩu.

Công nhân Công ty TNHH LT Garments (TP. Bà Rịa) sản xuất các sản phẩm quần áo xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH LT Garments (TP. Bà Rịa) sản xuất các sản phẩm quần áo xuất khẩu.

Ông Trần Văn Dũng cho biết thêm, bên cạnh chủ động nâng cao chất lượng sản xuất, tăng tỷ lệ chế biến sâu để tăng giá trị trên thị trường thế giới, DN cũng tận dụng các ưu đãi từ các FTA như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… nhằm mở rộng thị trường. Mới đây, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP đã có hiệu lực là một lợi thế mới nữa để DN tăng sản lượng sang các nước thành viên của Hiệp định này, trong đó có 2 thị trường truyền thống DN đã hợp tác từ lâu là Nhật Bản và Australia. Với chính sách giảm thuế và các điều kiện thuận lợi về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hơn, hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên cũng như xuất khẩu sang nước thứ 3 cũng sẽ tốt hơn.

Theo Sở Công thương, để tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, phát huy lợi thế với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạn, Sở sẽ theo sát và cập nhật diễn biến thị trường và các chỉ đạo của Bộ Công thương để kịp thời khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng, DN tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài. Đối với các DN đang có hoạt động kinh doanh với thị trường Nga và Ukraine, cần có kế hoạch và chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng… để tránh rủi ro, đảm bảo quyền lợi.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;
.