Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Để giảm chi phí, tránh thua lỗ, nhiều nông dân đã chuyển sang nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Ông Lê Minh Hiếu (ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) sử dụng ruồi lính đen thay thế thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi. |
2 năm, giá thức ăn chăn nuôi tăng 14 lần
Theo những người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, trong 2 năm gần đây thức ăn chăn nuôi đã tăng giá lần thứ 13-14. Trong đó, lần gần nhất là đầu tháng 4/2022. Với mức tăng 300-500 đồng/kg cho mỗi lần tăng, giá của hầu hết sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng trên 6.000 đồng/kg (tăng trên 150.000 đồng/bao 25kg) so với thời điểm cuối năm 2020.
Trong thông báo gửi đến khách hàng, Công ty MNS Feed cho biết đã cho tăng 300-500 đồng/kg thức ăn chăn nuôi (cám) kể từ 1/5, áp dụng cho khu vực miền Nam. Tương tự, Công ty De Heus cho biết đã cho tăng 300-400 đồng/kg đối với hầu hết loại cám kể từ đầu tháng 5, áp dụng từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Theo các hộ chăn nuôi, với giá cám được điều chỉnh tăng như hiện nay, giá thành chăn nuôi heo thịt hiện tăng lên 56.000-60.000 đồng/kg, trường hợp phải đi mua con giống thì chi phí sẽ cao hơn, chưa kể rủi ro dịch bệnh.
Để nuôi heo thịt đạt trên dưới 100kg/con, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám (hơn 4 triệu đồng), giống 1,6 triệu đồng/con... Trong khi đó, giá heo hơi ở mức thấp kéo dài với hiện chỉ 54.000-57.000 đồng/kg. Tương tự, nhiều hộ nuôi gà cho biết giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp ở mức cao, hiện phổ biến 27.000-28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu gặp rủi ro do dịch bệnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc sử dụng côn trùng trong chăn nuôi rất phổ biến trên thế giới. Ruồi lính đen được tổ chức nông lương Liên hợp quốc công nhận là giống côn trùng được ưu tiên xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein thay thế cho các thức ăn cho một số vật nuôi. |
Sử dụng ruồi lính đen để giảm chi phí chăn nuôi
Nhiều năm chăn nuôi gia cầm, ông Lê Minh Hiếu (ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) cho rằng, việc giá thức ăn chăn nuôi ngày một tăng cao khiến những người chăn nuôi như gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Do đó, để giảm chi phí nhằm duy trì nghề chăn nuôi, ông Hiếu đã tìm hiểu về việc nuôi ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi cho đàn gia cầm.
Với mô hình này, ông Hiếu đang thành công và giảm gần 1/2 chi phí nguồn thức ăn. Đây là nguồn thức ăn bổ sung đạm thay thế cám nuôi công nghiệp, giúp vật nuôi mau lớn và có chất lượng thịt rất tốt.
Ông Hiếu cho biết, ông dùng chế phẩm sinh học kết hợp với mật mía và nước sạch, sau đó cho ấu trùng ruồi lính đen mới nở vào môi trường này sinh sống. Lúc mới đầu nuôi, ông Hiếu phải mua trứng ruồi lính đen từ các trại giống từ tỉnh An Giang về. Tuy nhiên, đến nay ông đã biết cách tự nhân giống mà không cần phải mua ngoài.
Hiện nay, trang trại nuôi ruồi lính đen của ông Hiếu có diện tích khoảng 200m2, với mỗi lần nuôi khoảng 100 gram trứng sẽ ra được 300kg ấu trùng thương phẩm trong vòng 12 ngày. Ấu trùng này, ông thu hoạch và làm thức ăn cho vật nuôi của gia đình.
Ông Hiếu chia sẻ, chỉ cần trộn ruồi lính đen cùng với thủy phân ấu trùng ruồi lính đen, thủy phân cá cộng cùng bã đậu và vi sinh đã có thể thay thế hoàn toàn thức ăn công nghiệp cho đàn vịt 1.400 con, gần 1.000 con gà và hàng trăm con cá các loại đang được nuôi tại trang trại của gia đình.
Theo tính toán của ông Hiếu, với khoảng 1.000 con vịt nuôi thương phẩm, với giá cám công nghiệp như hiện nay, người chăn nuôi tốn khoảng gần 100 triệu đồng tiền cám công nghiệp cho vịt từ khi nuôi đến khi xuất chuồng. Còn với cách nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen thủy phân này, chi phí chưa đến 3.000 đồng/kg thức ăn. Như vậy, mỗi vụ nuôi chỉ tốn khoảng 35 triệu đồng tiền chi phí thức ăn.
“Với cách nuôi lấy thức ăn từ ấu trùng ruồi lính đen này vật nuôi rất nhanh lớn do hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn cao, tỷ lệ rủi ro do dịch bệnh cũng giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng vật nuôi”, ông Hiếu thông tin thêm.
Tương tự, trường hợp ông Nguyễn Quang (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cũng đã kết hợp mô hình sử dụng ruồi lính đen để phục vụ chăn nuôi nhằm giám bớt các gánh nặng chi phí. Ông Quang hiện nuôi các loại vật nuôi như: bò, dê, bồ câu, gà thả vườn, cá, heo.
Chăn nuôi theo mô hình khép kín, phân gia súc, gia cầm được dùng để nuôi trùn quế và ruồi lính đen làm thức ăn cho gà, cá và làm phân vi sinh sử dụng trong để cải tạo đất trồng cỏ cho bò ăn. Các sản phẩm chăn nuôi mà ông Quang cung cấp ra thị trường gồm gà thịt thả vườn, trứng gà, heo thịt, dê bò thịt, bồ câu ra ràng và cá nước ngọt các loại.
Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi vì chăn nuôi theo hình thức này là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh khoảng 7 triệu con. Trong đó, đối tượng vật nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp là chủ yếu, chiếm đến 87% và phụ thuộc chính vào nguồn thức ăn nhập từ các tỉnh khác. Trong khi chờ Nhà nước có giải pháp kiểm soát chặt các yếu tố đầu vào để giảm gánh nặng cho nông dân.
Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ giúp nông dân đảm bảo ổn định sản xuất thì việc vận dụng các giải pháp chuyển đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư đang là giải pháp hiệu quả để bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân, ngoài việc chuyển đổi phương thức sản xuất mới giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, thì người nông dân cũng cần phải cân đối dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Bón phân, cho vật nuôi ăn đúng thời điểm, đủ dinh dưỡng không để dư thừa gây lãng phí, giúp giảm chi phí đầu vào.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC