Ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Thứ Năm, 12/05/2022, 20:18 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp trên địa tỉnh tiếp tục phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực do các DN đã hoạt động ổn định trở lại. 

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành dệt may, giày da đang lấy lại đà tăng trưởng với tín hiệu tích cực. Trong ảnh: May đồ xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế Việt An.
Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành dệt may, giày da đang lấy lại đà tăng trưởng với tín hiệu tích cực. Trong ảnh: May đồ xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế Việt An.

 Đơn hàng dồi dào

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Hà (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) cho biết, hiện các mặt hàng chính như bàn nail, bao bì bằng gỗ có đơn đặt hàng đến hết quý III/2022. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng DN đang nỗ lực tuyển dụng lao động để hoàn thành các đơn hàng đã ký.

“Từ đầu năm đến nay, DN đã bán được hàng nhiều hơn và sản xuất chủ yếu xuất khẩu sang các nước Mỹ, Đức, Canada, Anh. Doanh thu của công ty tăng khoảng 15%”, ông Nguyễn Văn Cảnh nói.  

Cũng vào thởi điểm này, Công ty CP xây lắp Dầu khí miền Nam (Alpha ECC) đã có nhiều đơn hàng với các đối tác nước ngoài đến hết năm 2022, gồm các sản phẩm thiết bị tách dầu, giàn khoan, bình bồn áp lực, hệ thống súc rửa, cơ khí thủy lực, xuất khẩu sang châu Âu, chủ yếu là Na Uy. Năm 2022, công ty phấn đấu thực hiện doanh thu tăng 20% so với 2021.

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành dệt may, giày da đang lấy lại đà tăng trưởng với  tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU đã mở cửa trở lại; các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đang phát huy hiệu quả, các DN trong lĩnh vực này có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Ông Phan Tấn Anh, Phó Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II cho biết, công ty đã có đơn hàng đến tháng 10/2022. Bình quân mỗi tháng công ty sản xuất từ 300-400 sản phẩm các loại, tăng gấp đôi so với năm trước.

Theo các DN, ngành dệt may, giày da hiện vẫn đối mặt  với nhiều “nút thắt” về khâu nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải, nhân công; sự cạnh tranh trước các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Tuy nhiên, để duy trì các đơn hàng, DN cũng đang tích cực xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp, xác định cơ cấu thị trường, khách hàng chính cho từng loại sản phẩm  và  tăng cường phát triển thị trường mới. Đồng thời, dự trữ nguồn nguyên liệu nhập khẩu trước từ 3-5 tháng.

Nhiều DN đã và đang chủ động tìm kiếm, ký kết hợp tác với đối tác mới, mở rộng thị trường. Đơn cử như Nhà máy Yuan Hong thuộc Công ty TNHH YUAN HONG (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ, chuyên sản xuất mặt hàng bí ngô và rối hơi) ngoài xuất khẩu sản phẩm sang thị trường ở Úc, Canada cũng đang tích cực làm việc với các đối tác khách hàng ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ để mở rộng thị trường. Hiện công ty đã có đơn hàng đến hết năm 2022 và đang tăng ca sản suất để đáp ứng những đơn hàng đã ký kết.

Sản xuất thiết bị công nghệ cho tàu dầu tại Công ty Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu).
Sản xuất thiết bị công nghệ cho tàu dầu tại Công ty Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu).

Hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới

4 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp của tỉnh có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt giữ đà tăng trưởng khá với 8,17% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của kinh tế tỉnh với chỉ số công nghiệp tăng 9,76%.   

Đây là kết quả của việc thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành công thương từ nay đến cuối năm, dự báo sản xuất công nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới.  

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các  ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thúc đẩy phục hồi, phát triển hoạt động dịch vụ thương mại, các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối.

Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động ổn định và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tiếp cận với các thị trường mới, tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm.

 Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.