* Nhiều lĩnh vực tăng trưởng so với thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh.
Đây là tín hiệu vui được thông tin tại Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra vào sáng 18/4. Hội nghị đã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2022; cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so với trước khi bùng phát dịch... là minh chứng về tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển của toàn đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, dân và quân trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh
|
Kinh tế - xã hội phục hồi tích cực
Về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá, mặc dù tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu và lạm phát trên thế giới gây áp lực lớn, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi tích cực; tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh, giảm sâu từ cuối tháng 3; nhiều nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ được triển khai thực hiện; những vấn đề kinh tế-xã hội tồn đọng, kéo dài cơ bản đã có giải pháp khắc phục.
Báo cáo cụ thể về tình hình kinh tế - xã hội trong quý I, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu khí đạt 7,53% (NQ 7-7,6%). Các ngành kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá so cùng kỳ, một số hoạt động kinh tế đạt kết quả nổi bật như: vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 7,93% (NQ 5,61%), trong đó dịch vụ cảng tăng 10,33% (NQ 5,32%); kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí tăng 17,45% (NQ 8,42%); giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 1,04% (NQ 1,03%).
Thu ngân sách địa phương 3 tháng đầu năm đáp ứng nhu cầu chi theo dự toán. Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 27.213 tỷ đồng, đạt 38,0%, tăng 23,63% so cùng kỳ. Trong đó, thu ngân sách nhà nước (phần nội địa) là 12.083 tỷ đồng, đạt 34,9%, tăng 6,3% (12.083,0 tỷ/11.367,2 tỷ) so cùng kỳ, chiếm 44,5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Trong quý I, BR-VT thu hút mới và điều chỉnh vốn cho 20 dự án trong, ngoài nước với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 151 triệu USD và 4.048 tỷ đồng. |
Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao đáp ứng yêu cầu của nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhận định, quý I/2022 là giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Cho nên, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so với cùng kỳ (quý I/2021, thời điểm chưa bùng phát đợt dịch thứ 4) là rất đáng mừng. Có được những kết quả như trên là từ những nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm, đồng thuận cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, và cả hệ thống chính trị. Đó cũng là minh chứng về tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển của toàn đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, dân và quân trong tỉnh; đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành toàn tâm, toàn ý, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Kiên quyết loại bỏ vật cản phát triển
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh, các Ban của Tỉnh ủy, các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, nêu lên các giải pháp khắc phục những hạn chế, những cản trở trong phát triển.
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian qua, một số địa phương như Đất Đỏ, Châu Đức… bị phản ánh nhiều về tình trạng phân lô, bán nền trái phép. Để khắc phục, giải pháp căn cơ nhất là quản lý chặt địa bàn. Ông Nguyễn Công Vinh cho rằng: Tất cả thủ tục, hồ sơ tách thửa, sau khi hoàn thành, ngành TN-MT gửi ngay cho UBND cấp huyện để huyện kiểm tra thực trạng sử dụng sau tách thửa. Luật không cấm tách thửa, nhưng quan trọng là quản lý sử dụng, bảo đảm đúng mục đích. Khi phát hiện những vi phạm thì xử lý nghiêm. Kết quả xử lý cần thiết phải công khai trên báo chí, nhất là đối với các cán bộ làm sai, có hành vi tiếp tay cho vi phạm. “Có như vậy, các tổ chức, cá nhân mới không dám làm sai, người dân nắm bắt được thông tin để không tham gia vào các hành vi giao dịch bất hợp pháp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Công nhân đóng gói sản phẩm sợi tại Công ty Hyosung một trong những dự án lớn vừa đi vào hoạt động cuối năm 2021. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Phản hồi trước những thông tin liên quan đến quản lý đất đai trên địa bàn, ông Lê Văn Hòa, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ cho biết,sau khi nhận thông tin, huyện Đất Đỏ đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành xử lý. Đến nay, đã khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu. Đồng thời cũng chỉ đạo các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các trường hợp bị báo chí phản ánh. Địa phương cũng đặt bảng cảnh báo và thông tin về các khu đất có dấu hiệu giao dịch bất hợp pháp, không có trong quy hoạch đất ở. “Huyện cũng yêu cầu Chi nhánh VPĐK đất đai huyện cung cấp thông tin các thửa đất nông nghiệp tách thửa và khi phát hiện vi phạm sẽ đăng tải lên thông tin lên trang mạng để người dân biết, tránh bị lừa đảo”, ông Hòa cho biết.
Đề cập trực tiếp đến vai trò quản lý của chính quyền cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nói thẳng: “Không có sự nhúng tay, lơ là, cho qua của bí thư, chủ tịch xã phường, cơ quan quản lý thì làm gì có chuyện phân lô, bán nền trái phép. Các địa bàn có trình trạng phân lô, bán nền mà chính quyền địa phương không phát hiện thì việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm không để cho các địa phương này tiến hành, phải giao cho cơ quan cấp trên”.
Liên quan đến những khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMT), ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện nay, các địa phương thường gặp khó khăn trong khảo sát giá đất, bố trí tái định cư và xử lý các văn bản liên quan. “Có đến 25-30% phương án trình lên thì Hội đồng bồi thường, GPMT tỉnh trả về để bổ sung. Điều này chứng tỏ chất lượng tư vấn chưa cao. Do đó, ngay từ đầu các địa phương phải xem xét, đánh giá được chất lượng của đơn vị tư vấn; chuẩn bị quỹ đất dành cho tái định cư... Song hành là triển khai tuyên truyền hiệu quả. Phải lắng nghe đúng nguyện vọng của người dân, mới có hướng tháo gỡ kịp thời”, Giám đốc Sở TN-MT nói.
Ông Nguyễn Văn Hải cũng chỉ rõ đội ngũ làm công tác bồi thường, GPMT ở địa phương vừa thiếu vừa yếu dẫn đến chất lượng kiểm kê, đền bù xảy ra sai sót. Do đó các địa phương phải quan tâm bồi dưỡng đội ngũ này.
Cho ý kiến về GPMB, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh: Để tạo được sự đồng tình của người dân thì phải làm tốt công tác công khai quy hoạch theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”. Bà Nguyễn Thị Yến cũng yêu cầu các địa phương rà soát chất lượng đội ngũ làm công tác bồi thường, GPMB vì có một số địa phương thuê người làm việc theo hợp đồng, không bảo đảm trách nhiệm.
Tăng tốc phát triển
Về nhiệm vụ quý II, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tập trung tăng tốc, chủ động tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, góp phần tạo động lực phát triển cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-12 tuổi
Đến thời điểm này, tỉnh cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3 cho người trên 18 tuổi, đạt 94,79%. Tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-17 đạt 97,76%. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 56 ngày 8/4 về triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo số liệu của Sở Y tế, dự kiến có 158 ngàn trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngày 14/4 vừa qua, Bộ Y tế có phân bổ 9 ngàn liều vắc xin cho tỉnh. Dự kiến số lượng vắc xin này trước mắt sẽ tiêm cho 18 ngàn trẻ học lớp 6.
|
Các cấp trực thuộc, sở, ngành nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với các huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, công tác phối hợp giữa các sở, ngành với địa phương chưa tốt. Do đó, khi tỉnh đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, để cùng phối hợp thực hiện. Đồng thời bảo đảm tính kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ.
Về đầu tư công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất đây là nhiệm vụ lãnh đạo của cấp ủy, của chính quyền. Đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh phân cấp cho cấp huyện gói đầu tư công linh hoạt theo đặc thù địa phương, nhưng không vì thế mà phân bổ vốn đầu tư công không đúng, làm những cái chưa thực sự cần làm.
PHÚC LƯU - TRẦN TIẾN