Một trong những giải pháp hiệu quả để chợ truyền thống tiếp tục tồn tại và phát triển là cần sớm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác theo hình thức xã hội hóa (XHH).
Chợ Năm Tầng (TP. Vũng Tàu) được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Năm Tầng. |
Hiệu quả khi chuyển sang XHH
Thời gian qua, ngoài việc đầu tư xây dựng chợ từ nguồn ngân sách, việc kêu gọi XHH trong các lĩnh vực, trong đó có chợ đã đem lại hiệu quả, góp phần hoàn thiện hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như chợ Kim Long (huyện Châu Đức) được Công ty TNHH Thương mại Tân Thành đầu tư từ năm 2011 với tổng vốn 32,2 tỷ đồng. Chợ có diện tích 12.000m2 là chợ loại 1 với đầy đủ các ngành nghề kinh doanh. Đây là chợ đầu tiên được đầu tư bằng hình thức XHH trên địa bàn huyện Châu Đức với 100% vốn tư nhân. “Sau 11 năm đi vào hoạt động, các tiểu thương kinh doanh tại chợ ổn định. Hàng năm, sau khi trừ hết chi phí, chúng tôi đều có lãi”, ông Phan Thiên Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Thành chia sẻ.
Tương tự, cuối năm 2018, chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức) được chuyển đổi mô hình quản lý theo hình thức XHH và cũng bàn giao cho Công ty TNHH Thương mại Tân Thành. Sau khi chuyển đổi, từng khu vực quầy sạp được sắp xếp khoa học theo từng nhóm; lối đi lại cũng được bố trí thông thoáng tạo sự thuận tiện cho bà con tiểu thương và người dân buôn bán, mua sắm.
Phát triển mạng lưới chợ phù hợp, khoa học
Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phương án phát triển hạ tầng thương mại (bao gồm bố trí không gian hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống kho xăng dầu, khí quy mô cấp tỉnh, hạ tầng dịch vụ logistics). Quy hoạch khi hoàn thành sẽ góp phần hình thành, phát triển mạng lưới chợ và các loại hình thương mại khác một cách phù hợp, khoa học.
(Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương)
|
Theo chị Trần Thị Thu Hồng, tiểu thương kinh doanh tại chợ Ngãi Giao, khi chuyển đổi sang quản lý theo hình thức XHH, việc kinh doanh của tiểu thương cơ bản ổn định. Ban Quản lý mới tiếp nhận đã quan tâm và sắp xếp hàng hóa thuận tiện cho bà con tiểu thương. Các hạng mục xuống cấp đều được Ban Quản lý quan tâm sửa chữa nên chợ cũng khang trang, sạch đẹp hơn. Các khoản chi phí phải đóng như tiền mặt bằng, hoa chi… được giữ nguyên như mức thu trước đây. “Do đó, việc kinh doanh, buôn bán của bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ không bị xáo trộn và chúng tôi đều chấp hành nghiêm quy định do Ban Quản lý chợ đưa ra”, chị Hồng bày tỏ.
Chợ Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cũng được đánh giá là thành công sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh cho DN. Khu chợ không chỉ là nơi cung cấp, phân phối hàng hóa cho người dân địa phương mà còn được nhiều du khách đến tham quan và mua hải sản tươi sống khi có dịp đến Đất Đỏ du lịch. Cuối năm 2017, cơ sở vật chất khu nhà lồng chợ đã được đầu tư sửa chữa mới với 196 kiôt, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiểu thương buôn bán. Đến nay, chợ Phước Hải có diện tích 13.700m2 với gần 400 tiểu thương.
Ngoài các chợ trên, một số chợ do DN đầu tư cũng đem lại hiệu quả như: chợ phường 9, chợ Chí Linh, chợ Năm Tầng (TP. Vũng Tàu), chợ Lam Sơn (TX. Phú Mỹ). Việc mua bán của tiểu thương luôn giữ ổn định và đáp ứng nhu cầu của người dân trong các khu vực lân cận.
Để chợ phát triển song song với các loại hình thương mại hiện đại, việc chuyển đổi mô hình quản lý là cần thiết. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức). |
Tăng nguồn thu ngân sách
Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh này không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn giảm gánh nặng chi phí cho cơ quan Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý chợ. Đặc biệt, mô hình này cũng góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Công tác thu thuế đối với DN quản lý kinh doanh chợ và các tiểu thương thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Chẳng hạn như chợ Ngãi Giao, trước khi thực hiện chuyển đổi mô hình sang hình thức DN quản lý, khai thác thì có tình trạng thu không đủ bù chi. Huyện Châu Đức hàng năm phải trích ngân sách khoảng 400 triệu đồng cho công tác quản lý. Tuy nhiên, sau khi bàn giao cho Công ty TNHH Thương mại Tân Thành quản lý, khai thác, việc thu ngân sách của chợ đã tăng 190 triệu đồng/năm.
Theo Sở Công thương, thời gian tới, để hoạt động chợ truyền thống đạt hiệu quả, phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ưu tiên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại các chợ hiện hữu theo hình thức XHH. Bên cạnh đó, đối với những chợ truyền thống đã xuống cấp, ngành cũng sẽ phối hợp các địa phương có phương án để từng bước nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu buôn bán và mua sắm của tiểu thương và người dân, du khách khi đến du lịch tại địa phương.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU