Ngày 27/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Ba Đình, Thủ đô Hà Nội), Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được tổ chức. Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương được các DN đánh giá có chất lượng điều hành kinh tế thuộc Top 10 các tỉnh, thành phố có điểm PCI hàng đầu Việt Nam. Để có được kết quả này, chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã luôn đồng hành, hỗ trợ kịp thời DN, đặc biệt là thời điểm khó khăn trong 4 làn sóng của đại dịch COVID-19.
Ngay trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp nhất, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm, tặng quà và động viên lãnh đạo, công nhân Công ty TNHH Air Water Việt Nam - DN sản xuất, cung ứng oxy y tế. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Đồng hành cùng DN
Những chỉ số thống kê 4 tháng đầu năm nay cho thấy kinh tế của tỉnh phục hồi mạnh mẽ, đáng chú ý là lĩnh vực sản suất công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. Sức bật trở lại của các DN nhờ những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và của tỉnh đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng DN.
Ông Lee Minseog, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Pavonine Vina, KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ cho biết, DN đã có đơn hàng đến tháng 8/2022 và hiện đang tăng tốc sản xuất. Với mục tiêu gia công khoảng 2 triệu sản phẩm là linh kiện điện tử cho Tập đoàn Samsung, công ty đang có kế hoạch đầu tư thêm máy móc tự động hóa trong hệ thống dây chuyền sản xuất để tăng công suất, chất lượng, kịp đáp ứng tiến độ đơn hàng cho đối tác.
Nhiều DN cũng đã phục hồi sản xuất, đơn hàng tấp nập, thậm chí có đơn hàng đến tận năm 2023. Có được kết quả này là nhờ sự hỗ trợ, đồng hành cùng các quyết sách mạnh mẽ, kịp thời của tỉnh cũng như của các sở, ngành, địa phương.
Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư chính là nhờ sự năng động trong vận dụng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh công bằng và đề ra các chính sách thu hút phù hợp. Tỉnh cũng khẳng định các DN, nhà đầu tư luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung, do đó luôn nỗ lực hết mình để kiến tạo một môi trường đầu tư tốt nhất, tích cực nhất.
Cụ thể, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, thúc đẩy chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: cắt giảm các thủ tục không cần thiết; hỗ trợ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối vào vùng dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Cảng Quốc tế Tân Cảng Cái Mép ngày 25/7/2021. Ảnh: TRẦN NGA |
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến đối thoại, gặp gỡ các hiệp hội DN, nhà đầu tư ngày 14/9/2021. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thăm và khảo sát việc sản xuất oxy phục vụ công tác phòng chống dịch tại Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam vào tháng 8/2021. Ảnh: AN NHẬT |
Các hội nghị gặp gỡ, đối thoại trực tuyến với DN ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng, phức tạp nhất cũng được tỉnh tổ chức. Sau khi lắng nghe ý kiến từ DN, tỉnh đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giúp DN tiếp cận các chính sách ưu đãi như: giảm lãi suất; giãn, gia hạn nộp thuế, phí và nhanh chóng phủ vắc xin cho người lao động, giúp DN sớm phục hồi sản xuất.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm và khảo sát tại Công ty TNHH Air Water Việt Nam - đơn vị sản xuất oxy y tế đặt tại KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ, tháng 8/2021. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại các DN. Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho người lao động tại Công ty TNHH Thép SMC, KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ. Ảnh: THANH NGA |
Đặc biệt, ngay trong thời điểm khó khăn nhất của cao điểm dịch COVID-19, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch. Từ đó, chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của DN và người dân để kịp thời báo cáo, xử lý.
BÍ THƯ TỈNH ỦY PHẠM VIẾT THANH Chính quyền địa phương luôn đồng hành và tích cực hỗ trợ DN Ngay trong những ngày gian khó do dịch bệnh COVID-19 hoành hành, tỉnh BR-VT đã kề vai sát cánh cùng DN, tạo điều kiện cho DN thực hiện “3 tại chỗ”, giữ vững tiến độ sản xuất.
Từng liều vắc xin được chắt chiu, ưu tiên cho lực lượng lao động các KCN, các DN trọng yếu của nền sản xuất, giữ an toàn ở mức cao nhất có thể cho người lao động.
Các gói an sinh xã hội cũng đã kịp thời đến với các khu phố, khu dân cư có lực lượng công nhân lao động nghèo bị kẹt lại giữa dịch bệnh không thể đến nhà máy vào thời gian cao điểm thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Lãnh đạo tỉnh vào thời điểm ấy cũng đã trực tiếp đến các cơ sở sản xuất kiểm tra công tác phòng chống dịch, động viên DN và người lao động bám trụ giữ cho chuỗi cung ứng không đứt gãy, duy trì sản xuất an toàn trong dịch bệnh.
Sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, chặng đường đã phần nào bớt gập ghềnh, tỉnh BR-VT tập trung các giải pháp hỗ trợ giúp DN thích ứng và phục hồi sản xuất, như: giảm tiền điện, giá điện, hỗ trợ các dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là việc giúp DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện chính sách miễn, giảm, hạ lãi suất…
Để hiểu biết và chia sẻ khó khăn cùng DN, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại với DN, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN; cùng tìm giải pháp tối ưu giúp DN đứng dậy sau dịch bệnh, vượt qua lực cản của cơn bão giá xăng dầu, thiếu hụt lao động, hỗ trợ DN tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, hỗ trợ DN tiếp cận tài chính, thực hiện chuyển đối số, hình thành các mô hình, ngành nghề kinh doanh mới, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược, hướng tới việc chú trọng khâu đào tạo và tái đào tạo cho người lao động, nâng cao chất lượng, năng lực, sức cạnh tranh cùng với việc trang bị nền tảng quản trị DN hiện đại, chuyên nghiệp.
Bảo vệ sức khoẻ DN, chính là bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Đó cũng là một trong những tiêu chí đánh giá khá quan trọng trong điều hành nền kinh tế của địa phương nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi mà chính quyền, Đảng bộ BR-VT đã nỗ lực thực hiện thời gian qua.
GIA AN (ghi)
|
Không ngừng cải thiện
Theo các chuyên gia, một địa phương được đánh giá chất lượng điều hành tốt khi có chi phí gia nhập thị trường thấp; việc tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai, chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng.
Qua khảo sát tại các DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, đã có những đánh giá cao ở việc giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là trong khâu chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo và phát huy vai trò của các cơ quan “đầu mối” quan trọng như: Sở TN - MT, Sở Nội vụ, Sở KH-ĐT, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Công thương, Cục thuế tỉnh… trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, nâng cao vai trò của người đứng đầu các sở, ngành để cùng vào cuộc quyết liệt cải thiện các chỉ số thành phần trong PCI.
Tỉnh cũng ban hành Chỉ thị 05/CT- UBND về việc cải thiện PCI giai đoạn 2020-2025, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh chuẩn hóa bộ TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn và phải có văn bản thông báo tình trạng hồ sơ và xin lỗi người dân khi hồ sơ trễ hạn. Sở TN-MT cũng có nhiệm vụ công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các chính sách, quy định mới của pháp luật có liên quan về đất đai trên các trang thông tin điện tử của tỉnh.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: AN NHẬT |
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính giúp người dân, DN hạn chế đi lại, bớt thời gian và tránh phiền hà. Từ đó, chỉ số cải cách hành chính của Sở TN-MT đã có chuyển biển tích cực thời gian gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Số liệu đánh giá về chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh cũng đã “thăng hạng” trong vài năm trở lại đây.
Về chỉ số tính minh bạch, Sở TT-TT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, đưa thông tin lên cổng thông tin điện tử của tỉnh kịp thời, đa dạng, dễ tiếp cận…
Đối với chỉ số như cạnh tranh bình đẳng, Sở KH- ĐT, Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở TN-MT, các ngành liên quan thường xuyên rà soát, thực hiện công tác chuyên ngành của mình bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa DN có vốn nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với DN tư nhân trong việc tiếp cận đất đai, tiếp cận các khoản tín dụng, chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Bà Rịa-Vũng Tàu của các DN cũng theo chiều hướng tích cực hơn. Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với DN đầu tư nước ngoài như BHXH, thuế, lao động đã được giảm bớt. Điều này cho thấy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, DN trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong những năm qua, tỉnh luôn nằm trong top dẫn đầu PCI do VCCI bình chọn. Năm 2019, BR-VT đứng thứ 16; năm 2020 đứng thứ 15. Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm tới các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các DN nước ngoài
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những mục tiêu trọng tâm trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là mục tiêu để đưa BR-VT trở thành điểm đến tin cậy và triển vọng của các nhà đầu tư, DN. Vì vậy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo điều hành trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, dịch vụ công… tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho các nhà đầu tư, DN. Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi kinh tế, các hoạt động thiết thực để hỗ trợ DN là hết sức cần thiết.
“Tỉnh thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường, thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh; tăng cường đối thoại, lắng nghe, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN”, ông Nguyễn Văn Thọ thông tin.
LAM GIANG