Liên kết mở rộng đầu ra cho lúa, gạo

Thứ Sáu, 08/04/2022, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 8/4, Chi cục TT&BVTV (Sở NN-PTNT) phối hợp Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp (gọi tắt là Công ty Lộc Trời) tổ chức hội thảo liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở NN-PTNT, lãnh đạo địa phương và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đang tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo.

Công ty TNHH DVNN Lộc Trời sử dụng máy bay không người lái hỗ trợ phun thuốc BVTV cho bà con liên kết sản xuất trong vụ Đông Xuân 2021-2022.
Công ty TNHH DVNN Lộc Trời sử dụng máy bay không người lái hỗ trợ phun thuốc BVTV cho bà con liên kết sản xuất trong vụ Đông Xuân 2021-2022.

Liên kết để tăng năng suất và lợi nhuận

Sau khi thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ lúa trên diện tích gần 40ha trên địa bàn huyện Long Điền, năm 2021, Công ty TNHH DV NN Lộc Trời tiếp tục mở rộng triển khai trên địa bàn huyện Đất Đỏ. Đại diện phía Lộc Trời, ông Huỳnh Đức Bảo Toàn cho biết, trong vụ Đông Xuân 2020-2021, Công ty triển khai mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Đất Đỏ với diện tích 410ha. Phía Công ty tiếp tục hỗ trợ giống loại OM18, phân, thuốc, Drone và máy nông nghiệp cho bà con nông dân. Năng suất vụ Đông-Xuân 2020-2021 của diện tích liên kết đạt 7.5-8 tấn/ha, giá thua mua 5.600 đồng/kg.

Cũng theo ông Toàn, trong vụ Hè-Thu 2022, Công ty dự kiến sẽ mở rộng triển khai trên 1.000ha tại các địa phương. Trong đó, huyện Xuyên Mộc 200ha, Đất Đỏ, 600ha, Long Điền 100ha, Châu Đức 100ha. Các giống lúa ưu tiên sản xuất như OM5451, OM18, LT28 và Lộc Trời 4, giá lúa thu mua dao động từ 5,300-6,500 đồng/kg (tùy loại).

Là một trong nhưng hộ tham gia liên kết sản xuất, ông Nguyễn Văn Tẻo (ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) cho biết, trong vụ Đông-Xuân năm nay, ông tham gia liên kết sản xuất với Công ty Lộc Trời trên diện tích 7ha, giống lúa OM18. Đây là giống lúa với ưu điểm cây cứng, không đổ ngã, kháng bệnh tốt, rễ dài, sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương.

Trong quá trình tham gia liên kết, gia đình ông được công ty hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, giống, phân và thuốc BVTV. Mặc dù vụ lúa Đông-Xuân vừa qua nhiều hộ bị giảm năng suất, nhưng gia đình ông vẫn đạt 8 tấn/ha. Lúa sau khi thu hoạch được Công ty Lộc Trời thu mua với mức giá 5,400 đồng/kg.

Theo tính toán của ông Tẻo, tham gia mô hình liên kết mặc dù thời gian qua giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao nhưng lợi nhuận ông đạt được vẫn cao hơn khoảng 2 triệu đồng/ha so với vụ Đông-Xuân 2021.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

Mặc dù việc tham gia liên kết sản xuất mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất như: không phải lo về thị trường, “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thương lái ép… Tuy nhiên, theo các hộ nông dân, việc liên kết giữa vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Trương Hữu Phước, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ) cho biết, Tổ hợp tác có 50-60 thành viên tham gia liên kết với diện tích 130ha. Tuy nhiên việc liên kết vẫn còn khá sơ sài, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật vẫn chưa bám sát địa phương.

Do đó, phía Công ty cần tăng cường thăm đồng, tập huấn hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân về kỹ thuật như: gieo sạ, sử dụng thuốc BVTV. Trong quá trình sản xuất cần theo dõi các dịch hại để hỗ trợ bà con xử lý, giảm thiệt hại.

Còn theo đề xuất của ông Lưu Ngọc Tình, Chủ tịch UBND xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ), ngoài sự thống nhất về chi phí hỗ trợ, giá thu mua sản lúa thì phía Công ty và cơ quan quản lý cần nghiên cứu loại giống thuần chủng mang đặc trưng của địa phương, phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng tại đây. Từ đó để tạo nên đặc sản, thương hiệu địa phương. Ông Tình cũng cho rằng, để bà con nông dân thấy được rõ hiệu quả, công ty triển khai mô hình thí điểm, áp dụng 100% sản xuất theo quy trình của Công ty Lộc Trời, từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Đức Bảo Toàn, đại diện Công ty Lộc Trời cho rằng, hiện nay vẫn còn một số nông dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc bảo đảm chất lượng và bảo quản nông sản sau thu hoạch; chưa tuân thủ các nguyên tắc sản xuất theo quy trình mới, an toàn...

Đối với việc liên kết sản xuất trong thời gian tới, ông Huỳnh Đức Bảo Toàn cam kết, khi triển khai Công ty sẽ làm lại hợp đồng chặt chẽ trong từng thời vụ dựa trên sự thống nhất của hai bên. Cán bộ kỹ thuật sẽ phối hợp chặt chẽ với bà con nông dân giải quyết những vấn đề phát sinh. Đối với khâu tiêu thụ, Công ty Lộc Trời sẽ thông qua các Tổ hợp tác, HTX đưa ra hình thức lựa chọn thu mua phù hợp với giá cả thị trường cho bà con nông dân...

Về phía địa phương, bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Phó Phòng nông nghiệp huyện Đất Đỏ cũng cam kết sẽ đồng hành cũng bà con nông dân trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Huyện Đất Đỏ cũng đã hỗ trợ 50% về giống, phân đối với các tổ hợp tác để khuyến khích bà con mạnh dạn tham gia liên kết sản xuất…

“Tới đây, huyện Đất Đỏ sẽ gặp gỡ bà con nông dân, Tổ hợp tác, HTX để thống nhất ngay từ đầu các cơ chế, chính sách, quy trình liên kết sản xuất giữa DN và bà con nông dân để mô hình đạt hiệu quả cao”, bà Kiều nói.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
;
.