"Làm việc phải có trọng tâm, trọng điểm, việc nào dứt việc đó"
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022; triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia, sáng 5/4.
Ngành sản xuất công nghiệp quý I/2022 có mức tăng trưởng tốt. Trong ảnh: Người lao động của PVCoating làm việc bên sản phẩm bọc ống dầu khí. |
Tại điểm cầu BR-VT, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành tham dự.
Phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong 3 tháng qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; sự điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp; sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân, DN, chúng ta đã triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phục hồi nhanh, phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, theo Nghị quyết của Quốc hội”.
Trong quý I/2022, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%. Thu ngân sách nhà nước 460 ngàn tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (năm 2021 tăng 1,47%). DN thành lập mới, tái gia nhập thị trường khởi sắc với 60.000 DN, gấp 3 lần cùng kỳ.
Về tình hình đầu tư công, đến ngày 30/3, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao đạt 90% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, còn 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn năm 2022. Vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/3 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại BR-VT, từ sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành nên trong quý I/2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Một số ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao hơn mức kế hoạch như: doanh thu dịch vụ cảng tăng 10,33%; kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) tăng 17,45%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.897 triệu USD, tăng 24,85%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,83%; tổng mức bán lẻ hàng tăng 11,28%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 7,93%. Tổng thu ngân sách quý I thực hiện 25.315 tỷ đồng, đạt 35,38% dự toán, tăng hơn 15% so cùng kỳ.
Về đầu tư công, năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công phân bổ cho các dự án tỉnh quyết định đầu tư gần 7.346 tỷ đồng. Trong đó, dự án trọng điểm được phân bổ gần 583 tỷ đồng; dự án hạ tầng giao thông kết nối quan trọng là 665 tỷ đồng; các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội hơn 6.036 tỷ đồng; 13 dự án, đồ án quy hoạch gần 62 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3/2022, giá trị giải ngân vốn tỉnh quản lý là gần 848 tỷ đồng, đạt 10,67% tổng kế hoạch vốn 2022, trong đó vốn ngân sách tỉnh gần 834 tỷ đồng, đạt 11,35% kế hoạch vốn năm 2022; nguồn vốn Trung ương giải ngân được gần 14/600 tỷ đồng, đạt 2,33% kế hoạch.
Không trông chờ, ỷ lại
Trong quý II/2022, dự báo tình hình sẽ còn khó khăn, nhất là liên quan tới giá cả, lạm phát, nguyên liệu đầu vào, thị trường biến động… Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm, quyết liệt, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Đặc biệt, trong phân bổ và triển khai đầu tư công, Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với Trung ương, “chung tay phát triển hạ tầng”, không trông chờ, ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí “thắt lưng buộc bụng”; rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.
Với tinh thần liêm chính, công khai, minh bạch, Chính phủ phân bổ và triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm cho những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm hiệu quả cao nhất, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ KH-ĐT.
Trong quý I/2022, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92%. Trong ảnh: Nhân viên Lotte Vũng Tàu trong giờ làm việc. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới; chú trọng thanh tra, kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ, tăng giá, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử.
Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu. Chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.
Bài, ảnh: HÀ AN