.

"Chìa khóa" để chăn nuôi phát triển bền vững

Cập nhật: 18:59, 04/04/2022 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) trên đàn gia súc, gia cầm.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nhằm hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bền vững.  Trong ảnh: Nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức) phun khử chuồng trại nuôi gia cầm.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nhằm hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Trong ảnh: Nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức) phun khử chuồng trại nuôi gia cầm.

Ông Nguyễn Minh Lý (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) gắn bó với nghề chăn nuôi gà hơn 8 năm. Trung bình 1 năm ông thả nuôi 2 lứa gà, khoảng 3.000 con/lứa. Sau khi trừ chi phí, ông Lý thu lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/lứa. Với phương pháp nuôi bằng thảo dược, cùng với việc luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch nên đàn gà của gia đình ông luôn mạnh khỏe, ít dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt thấp.

Theo ông Lý, trong chăn nuôi quan trọng nhất là làm sao cho đàn gà khỏe mạnh, nên cứ 1 tuần ông lại phun xịt khử trùng chuồng trại hai lần, rải vôi các lối đi và luôn tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ cho đàn gà. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch nên lứa gà nào ông nuôi cũng thành công.

“Phương pháp phòng, chống dịch cho đàn gia cầm rất là quan trọng quyết định yếu tố thành công trong chăn nuôi. Tuy gia đình tôi chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình nhưng trại nuôi luôn thực hiện đầy đủ các giải pháp chăn nuôi ATDB. Gia cầm khi nhập về giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, dùng đủ và đúng các loại vacxin, thường xuyên sát trùng chuồng trại và nâng sức đề kháng cho đàn gia cầm, nên hạn chế được rất lớn rủi ro về dịch bệnh”, ông Lý chia  sẻ.

Hơn 10 năm chăn nuôi heo, ông Phan Văn Hiếu (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) cho rằng, nếu không nuôi theo phương pháp ATDB thì nguy cơ heo nhiễm bệnh khá cao, rủi ro lớn. Do đó, từ năm 2017, ông Hiếu đã chủ động chăn nuôi theo phương pháp ATDB, với mục tiêu giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh để vừa đảm bảo yếu tố sạch bệnh, an toàn, vừa tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Nhờ tuân thủ các quy định về an toàn nuôi, từ năm 2019, thời điểm dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh cho đến nay, đàn heo của gia đình ông vẫn an toàn, không bị nhiễm bệnh. Hiện gia đình ông Hiếu đang duy trì đàn heo trên 100 con, trong đó gần 20 heo nái và hơn 80 heo thịt. Trung bình mỗi tháng ông xuất bán 20 con heo, sau khi trừ các chi phí ông lãi gần 20 triệu đồng/tháng.

Tuân thủ việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ông Hiếu chủ động tiêu độc khử trùng đúng theo chu kỳ, 2-3 lần/tuần, không cho người lạ vào trại, không nhập heo không có nguồn gốc, thức ăn và xe chở cám thì phải xông sát trùng có như vậy dịch bệnh mới không vào chuồng mình được.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật và thủy sản năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, muốn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì phải từng bước tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Trong thời gian tới, các địa phương trong cả nước phải tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từng bước tiến tới xây dựng và nhân rộng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

 

Theo ngành nông nghiệp, hiện tổng đàn heo toàn tỉnh trên trên 367 ngàn con, 6,43 triệu con gia cầm, hơn 52.200 con trâu, bò và hơn 92.720 con dê, cừu. Năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 102.200 tấn, tăng 3,1% so năm 2020. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đạt 3.775 tỷ đồng, tăng 3,41% so với năm 2020. Hiện ngành chăn nuôi đang chiếm 43,6% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện  có hơn 150 cơ sở chăn nuôi ATDB. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy mô trang trại vẫn chỉ chiếm khoảng 30% tổng đàn, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ.

Vì vậy, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập, tỉnh tiếp tục định hướng phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, ATDB, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín... để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi an toàn, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, hướng tới xuất khẩu, góp phần đảm bảo sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp và bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

“Trước tình hình diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, khó lường thì việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB là cần thiết. Trong quá trình xây dựng, chúng ta tiến hành song song nhiều giải pháp như: tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, kiểm soát nguồn lây từ ngoài vào, giám sát chủ động dịch bệnh để bảo vệ đàn gia súc gia cầm phát triển tốt và chăn nuôi bền vững”, ông Trung thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
.
.
.