Vướng mắc trong di dời cơ sở chăn nuôi

Chủ Nhật, 27/03/2022, 19:12 [GMT+7]
In bài này
.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang thực hiện kế hoạch di dời cơ sở chăn nuôi ngoài vùng quy hoạch vào các khu chăn nuôi tập trung, song quá trình này gặp không ít khó khăn do vướng quy hoạch.

Việc di dời các cơ sở chăn nuôi vào vùng quy hoạch tập trung nhằm phát triển theo hướng bền vững.  Trong ảnh: Trang trại nuôi heo của gia đình ông Trần Tâm, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.
Việc di dời các cơ sở chăn nuôi vào vùng quy hoạch tập trung nhằm phát triển theo hướng bền vững. Trong ảnh: Trang trại nuôi heo của gia đình ông Trần Tâm, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

Nhiều khó khăn khi di dời

Trên địa bàn huyện Châu Đức có 48 cơ sở chăn nuôi vào diện buộc phải di dời. Theo lộ trình, từ năm 2019 đến năm 2021, địa phương phải thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động của các cơ sở chăn nuôi trên. Tuy nhiên, tính đến tháng 2/2022, ngoài 5 cơ sở giải thể do không đủ điều kiện chăn nuôi, mới chỉ có 18 cơ sở đồng ý chấm dứt hoạt động, 25 cơ sở đề nghị gia hạn thời gian hoạt động đến hết 31/12/2024. 

Ông Đinh Huề, chủ trang trại chăn nuôi gà gia công tại ấp Phú Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết, cách đây 10 năm, gia đình ông vào khu vực ấp mua 1ha đất xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô mỗi lứa gần 29 ngàn con. Mặc dù trang trại chăn nuôi nằm ở khu vực xa dân cư, tuy nhiên, đây vẫn là vùng ngoài quy hoạch chăn nuôi tập trung nên phải di dời. Ông hoàn toàn nhất trí với chủ trương này nhưng gặp khó khăn do buộc phải tìm đất và tự thỏa thuận giá thuê với chủ đất để chăn nuôi. Sau hơn 1 năm tìm kiếm, đến nay ông vẫn chưa tìm được địa điểm thuê phù hợp. Trong khi đó, giá đất tại địa phương đã tăng rất nhiều so với trước đây nên việc mua đất hoặc tự thỏa thuận thuê đất lại của người dân trong vùng quy hoạch chăn nuôi là rất khó khăn.

“Chưa kể, nếu phải di dời đến nơi khác, tôi buộc phải đầu tư lại toàn bộ hệ thống chuồng trại nuôi. Với quy mô đàn gia cầm hiện nay của gia đình nếu phải đầu tư lại từ đầu chi phí sẽ vào khoảng 1,5-2 tỷ đồng, chưa kể tiền thuê đất. Trong tình hình giá đất đang tăng chóng mặt, việc tìm diện tích tương đương như hiện nay với giá hợp lý cho người chăn nuôi là rất khó, do đó tôi vẫn chưa biết tính sao”, ông Huề băn khoăn.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hải, ấp An Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ cũng vừa thuê đất chăn nuôi vịt được khoảng 1 năm với quy mô khoảng 4.000 con vịt đẻ trứng. Để có khu vực chăn nuôi này, năm ngoái ông đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng, chưa kể hợp đồng thuê đất 3 năm với mức giá 25 triệu đồng/1ha/năm. “Nếu bây giờ di dời về vùng quy hoạch tập trung, tôi sẽ phải vay mượn đầu tư lại từ đầu. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong việc đầu tư, thuê đất ở địa điểm mới”, ông Hải cho hay.

Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đất Đỏ, địa phương đã có vùng quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm tại 3 xã Phước Hội, Phước Long Thọ và xã Láng Dài với tổng diện tích hơn 381ha. Đây là đất của các hộ dân đang canh tác. Các cơ sở chăn nuôi muốn di dời vào đây phải tự thỏa thuận việc mua hoặc thuê lại đất của người dân đang có đất trong vùng quy hoạch. Tuy nhiên, giá đất tăng cao nên người chăn nuôi chưa thể thỏa thuận việc mua, thuê đất trong vùng quy hoạch khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc di dời.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Đất Đỏ sẽ có 31 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ phải di dời. Nhưng từ năm 2020 đến nay mới chỉ có 5 hộ chăn nuôi di dời từ các nơi khác về. Huyện phấn đấu hết năm 2025 sẽ di dời, chấm dứt hoạt động 100% cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm không phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. 

Đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh BR-VT giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025” được chia thành từng giai đoạn. Cụ thể, năm 2020, dừng hoạt động chăn nuôi đối với các trang trại phù hợp với quy hoạch nếu không thực hiện các biện pháp xử lý môi trường theo quy định. Theo đó, năm 2020 di dời, chấm dứt hoạt động đối với 55 trang trại tại 4 địa phương: TP. Bà Rịa (2 trang trại), TX. Phú Mỹ (20 trang trại) và các huyện Châu Đức (21 trang trại), Xuyên Mộc (12 trang trại).
Đến năm 2021, sẽ tổ chức di dời, chấm dứt các trang trại chăn nuôi không phù hợp quy hoạch gây ô nhiễm môi trường; dừng hoạt động chăn nuôi các trang trại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chấm dứt hoạt động trang trại chăn nuôi không chấp hành đúng quy định bảo vệ môi trường theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; chấm dứt hoạt động đối với trang trại chăn nuôi không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội buộc phải di dời. Theo đó, có 41 trang trại thực hiện di dời tại các địa phương có hoạt động chăn nuôi.

Cần thêm thời gian

Theo Quyết định số 506 về việc phê duyệt đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh BR-VT giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025” của UBND tỉnh, dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ di dời, chấm dứt hoạt động 100% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường. 

Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đất Đỏ cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều hộ chăn nuôi rải rác tại các xã, do vậy địa phương và ngành nông nghiệp đang vận động các cơ sở di dời vào vùng chăn nuôi. Tuy nhiên, việc vận động di dời cần thêm thời gian để người chăn nuôi chuẩn bị cơ sở hạ tầng cũng như các điều kiện liên quan. Nếu quá thời gian quy định hoặc trường hợp nào không có khả năng di dời cơ sở được có thể chuyển đổi ngành nghề. Phòng Nông nghiệp cũng đang kiến nghị huyện, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho những cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác.

Trước khó khăn hiện nay, các địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép các cơ sở chăn nuôi lùi thời hạn di dời đến 31/12/2024 và trong thời gian hoạt động ngoài vùng quy hoạch sẽ phải bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường, chăn nuôi, phòng dịch. Đồng thời, kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cơ sở chăn nuôi di dời vào vùng quy hoạch phù hợp hơn với giá thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, các địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường của từng cơ sở chăn nuôi đề nghị gia hạn hoạt động nhằm có cơ sở yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với trường hợp vi phạm, không bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường theo quy định.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.