Vụ lúa Đông Xuân được nông dân mong đợi nhất trong năm bởi năng suất và giá thành luôn ở mức cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, năm nay lúa bị sâu bệnh gây hại tấn công khiến năng suất lúa giảm. Cùng với đó, giá lúa hiện tại đang khá thấp, trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao khiến lợi nhuận sau thu hoạch của nông dân không đáng kể, thậm chí thua lỗ.
Vụ Đông Xuân năm nay thời tiết bất lợi khiến sản lượng lúa giảm mạnh. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. |
Năng suất giảm
Thời điểm này, nông dân trồng lúa tại huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân 2021-2022. Đây cũng là 2 địa phương có diện tích lúa thu hoạch sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Theo nhiều người trồng lúa tại đây, vụ mùa không thuận lợi đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của bà con. Bởi giá thành hạt lúa năm nay tăng cao do nhiều mặt hàng chi phí vật tư, phân bón, công thuê... trong vụ đều tăng cao.
Hơn 8ha lúa Đông Xuân của gia đình ông Nguyễn Đình Thảo (ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) đang cho thu hoạch, ước khoảng 8 tấn/1ha, giảm 20% sản lượng so với cùng kỳ mọi năm. Ông Thảo chia sẻ, năm nay thời kỳ lúa làm gặp thời tiết bất lợi. Khoảng 30% diện tích trồng lúa của gia đình ông bị sâu đục thân tấn công khiến lúa phát triển không đều, một số diện tích lúa bị lép hạt và chết, năng suất cũng vì thế mà giảm mạnh. Nếu như những năm trước, trung bình mỗi 1ha, vụ lúa Đông Xuân của gia đình ông đạt năng suất từ 9-10 tấn, thì năm nay đám năng suất nhất cũng chỉ đạt 8 tấn/ha, có nhiều đám chỉ đạt khoảng 6-7 tấn/ha. “Vụ này, nhà tôi đã chọn giống lúa dẻo bầu với năng suất cao, kháng được một số loại dịch hại, song vụ mùa không thuận, khiến năng suất giảm mạnh so với mọi năm. Cả năm trông chờ vào vụ lúa này, nhưng lúa không đạt tôi buồn lắm” , ông Thảo cho hay.
Chi phí đầu tư tăng cao trong khi giá lúa khá thấp khiến lợi nhuận của nông dân giảm mạnh. Trong ảnh: Vận chuyển lúa sau thu hoạch tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. |
Buồn rầu nhìn về phía đám ruộng đang thu hoạch, bà Hồ Thị Hoa (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cho hay, năm nào đám ruộng này cũng cũng phải đạt được mười mấy bao lúa, nhưng năm nay chỉ được 10 bao thôi. Tính ra năng suất lúa gia đình bà chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha, giảm 30% so với vụ mùa năm ngoái.
Không riêng gì gia đình bà Hoa, tại xã Phước Thuận, nhiều diện tích lúa nhiễm sâu đục thân nặng từ 30-70% nên sản lượng thu hoạch không đáng kể.
Chi phí đầu tư tăng gấp đôi
Theo các hộ nông dân trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, năm nay, lúa sâu bệnh nhiều khiến năng suất giảm, song chi phí đầu tư cho vụ mùa lại bị tăng lên. Thông thường, vụ Đông Xuân rất được người nông dân chú trọng đầu tư, năm nay cũng không ngoại lệ. Song do phân thuốc, công cán tăng cao khiến chi phí tăng lên gấp đôi.
Vận chuyển lúa sau thu hoạch tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. |
Ông Nguyễn Ngọc Thành (ấp Xóm Rẫy, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cho biết, gia đình ông đang canh tác 2ha lúa. Nếu như mọi năm, chi phí đấu tư đầu tư cho 1ha lúa chỉ rơi vào khoảng 7-10 triệu, thì năm nay đã nâng lên gấp đôi. Chi phí phân bón, thuốc BVTV tăng gấp 2-3 lần so cùng kỳ. Trong khi đó, giá lúa đầu vụ hiện lại đang khá thấp. Cụ thể, lúa thơm 4.900 có giá 5.500 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg so với cùng kỳ; lúa thường Dẻo bầu, OM 5451… có giá 5.200-5.300 đồng/kg - giảm 300 đồng/kg. Hiện, bình quân 1ha ông Thành lãi chưa tới 10 triệu đồng, thay vì 20-25 triệu đồng như trước đây. “Đối với gia đình tôi đất ruộng có sẵn còn đỡ, chứ những hộ phải thuê ruộng, nông dân đang phải gánh lỗ từ 7-10 triệu đồng/vụ”, ông Thành cho biết.
Vụ Đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh xuống giống gần 6.930ha lúa, năng suất lúa bình quân ước chỉ đạt 7 tấn/ha, giảm 2 tấn so với cùng kỳ mọi năm. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, lợi nhuận vụ lúa Đông Xuân năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10 triệu đồng/ha. Nguyên nhân chủ yếu là do giá vật tư nông nghiệp, nhiên liệu, công lao động tăng cao đã đẩy giá thành sản xuất lên gần 3.400 đồng/kg, trong khi giá bán lúa hàng hóa lại chỉ ở mức 5.200-5.500 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ từ 300-700 đồng/kg. |
Trước tình trạng giá phân bón tăng cao như hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác lúa giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và quản lí dịch hại tổng hợp theo IPM để gia tăng lợi nhuận, hạn chế sâu bệnh gây hại, ổn định năng suất lúa. Nông dân cũng cần đẩy mạnh sản xuất lúa theo phương châm “1 phải, 5 giảm” và “3 giảm, 3 tăng”; đồng thời đẩy mạnh sản xuất lúa theo cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện cho cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân...
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC