Một chủ trang trại chăn nuôi heo cho biết, cơ cấu giá thành chăn nuôi heo gồm: con giống, thức ăn, thuốc thú y, điện, nước, nhân công, khấu hao đầu tư chuồng trại, lãi suất vốn vay..., trong đó, riêng chi phí thức ăn chiếm từ 70-80%. Với giá thức ăn từ 330-360 ngàn đồng/bao 25kg như hiện nay, để có được 1 tạ heo hơi xuất chuồng, phải tiêu tốn gần 4 triệu đồng, cộng tiền heo giống, tiền công, vắc xin phòng bệnh, khấu hao chuồng trại..., chi phí nuôi 1 con heo hơn 5 triệu đồng. Giá bán heo hơi hiện nay từ 53-54 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi thu lãi rất thấp, thậm chí khi giá giảm thì chỉ huề vốn hoặc không có lãi.
Trên thực tế thời gian qua cho thấy, mọi chi phí đầu vào trong sản xuất chăn nuôi đều tăng. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường nhập khẩu nên càng bị ảnh hưởng nặng nề khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng cao. Muốn có lợi nhuận, bắt buộc người chăn nuôi phải tính toán đến phương án giảm giá thành. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, việc tự trộn thức ăn bằng các nguyên liệu có sẵn như: bắp, cám gạo, khoai mì... thay cho thức ăn công nghiệp bán sẵn trên thị trường đang được nhiều chủ trang trại áp dụng đã tiết kiệm được 20-25% so với dùng thức ăn công nghiệp. Cùng với đó là áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, tự sản xuất con giống, thức ăn; tự tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho gia cầm, gia súc, nhờ vậy giá thành giảm được thêm khoảng 20%.
Để gỡ khó cho khâu đầu vào của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, vấn đề mấu chốt là cần tìm giải pháp để giảm nguồn phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời giảm giá thành chăn nuôi. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao được năng suất, tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh trong chăn nuôi. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào như gạo, bắp, đậu… thì giải pháp tự sản xuất thức ăn chăn nuôi là không quá khó, đây cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của ngành chăn nuôi trong nước. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cũng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là “tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu”. Muốn làm được điều này, cần thêm các chính sách hỗ trợ để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, các chuỗi giá trị trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng cần tăng cường xây dựng liên kết thông qua các HTX, tổ hợp tác... để tiếp cận vào chuỗi của DN giúp chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu. Từ đó, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập đầu vào nhập khẩu như hiện nay.
NGÔ GIA