Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của cảng biển BR-VT, đặc biệt là hệ thống cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV).
Quá trình phát triển cụm cảng CM-TV đã và đang phát sinh một số xung đột về giao thông, đô thị. Trong ảnh: Cụm cảng CM-TV nhìn từ cảng TCIT. |
Xung đột giữa cảng biển và giao thông, đô thị
Cảng biển BR-VT được xác định là một trong hai cảng biển đặc biệt của cả nước, có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Những năm qua, hệ thống cảng biển BR-VT, cụ thể là cụm cảng CM-TV không ngừng nâng tầm và khẳng định vị thế trên bản đồ hàng hải thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ GT-VT, các chuyên gia, quá trình phát triển cụm cảng này đã và đang phát sinh một số xung đột, nổi bật nhất là xung đột về giao thông. Minh chứng là trong 7 năm đầu đi vào hoạt động cụm cảng CM-TV chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Một trong những nguyên nhân là do thiếu kết nối giao thông với các tỉnh thành miền Đông và Tây Nam bộ.
Trao đổi về vấn đề giao thông trong nội tại khu vực cảng, các DN cảng biển, vận tải cho rằng cần có giải pháp cho tình trạng ách tắc giao thông lúc cao điểm xếp dỡ hàng hóa tại các cảng. Theo ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn-SSA (SSIT), các cảng ở CM-TV đều nằm trên một trục đường nên khi cao điểm xếp dỡ hàng hóa thường xảy ra tình trạng ách tắc đối với các phương tiện vận tải, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển hàng hóa.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Khang Hưng(TX. Phú Mỹ) cũng cho rằng, vào lúc cao điểm, xe phải xếp hàng dài đợi rất lâu ở cửa cảng. Do đó, chính quyền địa phương cần xem xét áp dụng công nghệ khi xe vào vận chuyển hàng hóa tại các cảng để giải quyết tình trạng trên.
Tình trạng đô thị hóa sát với khu vực cảng biển làm cho hệ thống kết nối giao thông tại những nơi này quá tải do phải “gánh” cả giao thông, đô thị. Trong ảnh: Đường QL56, một trong những tuyến đường kết nối sau cảng nhằm giảm áp lực về giao thông đô thị. |
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững, hiện nay vấn đề liên kết giữa cụm cảng container lớn của cả nước như CM-TV với các đô thị lõi cận kề như TX. Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu thì mới chỉ nhìn thấy xung đột về giao thông. Trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra thêm tình trạng xung đột về đô thị và kinh tế - xã hội. Bởi, tình trạng đô thị hóa sát với khu vực cảng biển làm cho hệ thống kết nối giao thông tại những nơi này quá tải do phải “gánh” cả giao thông, đô thị.
Xây dựng cảng đô thị hợp nhất
Trước những bất cập đó, Bộ GT-VT đã giao cho Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đề tài “Liên kết địa bàn giữa hệ thống các cảng biển CM-TV và đô thị lõi cận kề trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng” nhằm nghiên cứu hiện trạng và đưa ra giải pháp khắc phục. Từ đề tài trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục đề xuất cấu trúc không gian của đô thị Phú Mỹ và cảng CM-TV chia làm 4 khu “lõi” là Cái Mép Hạ, Cái Mép, Phú Mỹ và Mỹ Xuân tương ứng với các ngành công nghiệp - hành chính - dịch vụ và mậu dịch tự do.
Góp ý cho đề tài nghiên cứu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam gợi ý, biển là yếu tố cần phải xem là điểm “nhấn” của vùng TP. Hồ Chí Minh, Cần Giờ và BR-VT. Do đó, phải tính đến yếu tố nào được ưu tiên để đột phá; không thể cản trở quá trình đô thị hóa gắn với cảng. Đô thị cận kề sát cảng phải là đô thị cho dịch vụ cảng, không phải là đô thị phát triển tự phát.
Theo đề tài “Liên kết địa bàn giữa hệ thống các cảng biển CM-TV và đô thị lõi cận kề trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng”, hệ thống cảng CM-TV hướng đến không gian tích hợp với cấu trúc không gian gồm 4 khu: Cái Mép Hạ (đô thị lõi mậu dịch tự do gồm: Thương mại tự do, logistic cấp vùng, ga đường sắt đầu mối, ICD (cảng cạn) cấp vùng, dịch vụ sau cảng, ga và bến ICD, chính quyền cảng và trung tâm cảm thông minh, khu lưu trú dịch vụ tàu biển, hạ tầng xã hội đô thị mậu dịch, khách sạn và dịch vụ du lịch, vùng sinh thái bảo tồn); Cái Mép (đô thị lõi dịch vụ gồm: công nghiệp tổng hợp chuyên ngành, khu chế xuất, kho dự trữ quốc gia, dịch vụ sau cảng, khu lưu trú dịch vụ tàu biển, hạ tầng xã hội đô thị dịch vụ); Phú Mỹ (đô thị lõi hành chính gồm: công nghiệp hỗn hợp đa ngành, Trung tâm hành chính khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân, hạ tầng xã hội đô thị công nghiệp); Mỹ Xuân (đô thị lõi dịch vụ công nghiệp gồm: Công nghiệp hỗn hợp đa ngành và chuyên ngành, dịch vụ sau cảng, ICD khu vực, logistic cấp khu vực, khu nhà ở công nhân, hạ tầng xã hội đô thị công nghiệp). |
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, CM-TV là tài nguyên, phục vụ cho quốc gia, vùng chứ không riêng cho địa phương. Do vậy, việc quy hoạch cảng biển cũng như phát triển đô thị cận kề với cảng là rất quan trọng trong định hướng phát triển thời gian tới của tỉnh. Trong đó, cần xây dựng một quy hoạch tổng thể của đô thị, hạ tầng du lịch, cảng biển, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
“Tỉnh sẽ bàn bạc, thống nhất để thực hiện việc đô thị lồng ghép vào cảng biển tiếp tục đưa vào quy hoạch. Đồng thời, phát triển cảng biển cần gắn với việc kết nối đồng bộ hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, đô thị ven biển và các KCN lớn trong vùng Đông Nam Bộ và khu vực lân cận; phát triển cảng biển hài hòa với phát triển đô thị, KCN… Đề tài này khi được thông qua sẽ là nền tảng để BR-VT tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống cảng theo mô hình cảng đô thị hợp nhất”, ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN