Người chăn nuôi lao đao vì "bão giá"

Thứ Ba, 15/03/2022, 17:47 [GMT+7]
In bài này
.

Một loạt DN vừa thông báo tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi với mức tăng từ 200-300 đồng/kg (tùy loại). Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, giá thức ăn chăn nuôi đã 10 lần điều chỉnh tăng khiến người chăn nuôi liên tục thua lỗ.

Giá thức ăn liên tục tăng buộc người chăn nuôi phải hạn chế tái đàn hoặc “treo chuồng” để tránh thua lỗ.  Trong ảnh: Đàn heo của gia đình ông Nguyễn Hữu Duy (ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức).
Giá thức ăn liên tục tăng buộc người chăn nuôi phải hạn chế tái đàn hoặc “treo chuồng” để tránh thua lỗ. Trong ảnh: Đàn heo của gia đình ông Nguyễn Hữu Duy (ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức).

“Treo chuồng” vì “bão giá”

Gần 3 tháng nay, ông Nguyễn Văn Long, chủ trang trại gà ở xã Bình Ba (huyện Châu Đức) buộc phải “treo” 4 chuồng trước những đợt “bão giá” liên tục của thức ăn chăn nuôi. Ông Long trước đây luôn duy trì 5 chuồng nuôi gà ta thả vườn với tổng đàn hơn 8.000 con. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, buộc ông phải giảm đàn tránh thua lỗ nặng. Cụ thể, giá thức ăn đang ở mức 300 ngàn/bao loại 25kg, tăng từ 70-80 ngàn đồng/bao so với cách đây 1 năm.

Theo tính toán của ông Long, đàn gà của ông trung bình ăn hết khoảng 14 bao cám/1 ngày, như vậy, chi phí thức ăn đã hết 4,2 triệu đồng/ngày, chưa tính các chi phí khác và công chăm sóc. Trong khi đó, giá gà hiện đang được thu mua ở mức 58-68 ngàn đồng/kg, với mức giá này người nuôi chỉ đủ vốn chứ chưa có lợi nhuận.

Tương tự, trang trại nuôi vịt của gia đình ông Nguyễn Sỹ Hữu (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cũng đang phải giảm đàn theo từng đợt. Trước đó, quy mô trại nuôi của ông luôn duy trì 5.000 con/lứa. Nhưng trại của ông hiện chỉ còn khoảng 3.000 con. Nguyên nhân là thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào khác đều tăng cao, rủi ro dịch bệnh lớn khiến người chăn nuôi e ngại tái đàn. Trong khi đó, giá trứng hiện chỉ bán được 2,1-2,3 ngàn đồng/quả. Với giá bán hiện nay, gia đình ông đang phải gồng mình gánh lỗ gần 300 ngàn đồng/ngày.

“Nuôi vịt là nghề chính mang lại kinh tế ổn định cho gia đình tôi. Nhưng với tình hình này và giá thức ăn còn có khả năng tiếp tục tăng, không biết gia đình tôi gắn bó được với nghề này bao lâu nữa”, ông Hữu ngán ngẩm nói.

Cũng sống bằng nghề chăn nuôi, ông Nguyễn Hữu Duy (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) cho biết, giá cám trong vòng chưa tới 1 năm nay đã tăng hơn 10 lần với mỗi lần tăng từ 3-5%. “Tôi vừa được đại lý thông báo tuần tới khả năng giá cám tiếp tục tăng. Với mức giá như hiện nay, người chăn nuôi chúng tôi lỗ 400-500 ngàn đồng/con heo. Nếu giá lại tăng nữa, chúng tôi chỉ còn nước “treo chuồng”, chứ không thể duy trì được nữa”, ông Duy than thở.

Theo cảnh báo của ngành nông nghiệp, thời gian tới giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung do xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu (Ukraine là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ tư thế giới khoảng 30 triệu tấn/năm). Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng tiếp trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi.

Chủ động ứng phó linh hoạt

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng từ 80-85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giai đoạn 2020 - 2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng từ 16-36%.

Nguyên nhân khiến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng giá chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ những khu vực trồng chính trên thế giới tại Nam Mỹ. Đồng thời, cuộc xung đột Nga - Ukraine (2 quốc gia xuất khẩu lúa mỳ và ngô hàng đầu) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đó, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước cũng tăng theo.

Cụ thể, so với tháng 12/2021, thức ăn cho heo thịt 60kg đến xuất chuồng là 12.500 đồng/kg (tăng 2,5%); thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 12,8%); thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 8,1%)...

Để ứng phó với việc giá thức ăn chăn nuôi “leo thang” ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu, các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp đề ra giải pháp phát triển những loại thức ăn thay thế thức ăn công nghiệp để giảm áp lực trong bối cảnh giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay. Trong đó có thể sử dụng cám gạo để thay thế lúa mì, ngô nhập khẩu. Cám gạo là sản phẩm phụ của ngành xay xát lúa gạo nên có nguồn cung khá dồi dào ở nước ta.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thanh, kiểm tra thường xuyên chất lượng thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường linh hoạt hơn, sát thực tế hơn. Bên cạnh đó, cần lấy mẫu kiểm tra ngoài thị trường chứ không lấy trong các nhà máy, xí nghiệp.

“Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án công nghiệp hóa sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối…, đồng thời cơ cấu sản phẩm chăn nuôi theo hướng giảm tỉ trọng thịt lợn, tăng thịt gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.