Đây là chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 năm nay, nhằm đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới.
Người dân mua sắm tại Co.op Mart Bà Rịa. |
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ông Huỳnh Văn Chinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội đã triển khai các chương trình nhằm tuyên truyền Luật và các hướng dẫn thi hành Luật BVQLNTD, tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Công tác tuyên truyền về pháp luật và các hoạt động BVQLNTD đã được triển khai đến từng địa phương và lồng ghép bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên triển khai các hoạt động thông qua phương tiện truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội, website; treo 140 băng rôn tại các chợ, KCN, siêu thị, các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết những phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng thông tin, Cục QLTT tỉnh đã tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, các website, mạng xã hội như trang web, facebook, zalo…, để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng online trên các trang mạng xã hội cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, chỉ mua hàng của những tổ chức, cá nhân có ghi biển hiệu, địa chỉ cửa hàng rõ ràng, cụ thể, có số điện thoại liên hệ, nhằm tránh tình trạng bị lừa đảo.
Người dân mua sắm tại Điện máy xanh, TP. Vũng Tàu. |
Tiêu dùng an toàn
Một trong những điểm nhấn của các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2022 của Bộ Công thương là ban hành bộ tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Theo đó, tiêu dùng an toàn không chỉ là quyền của người tiêu dùng mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, DN, là tiêu chí để đánh giá sự phát triển của nền kinh tế và sự văn minh của xã hội. Cụ thể, DN phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng một cách đầy đủ, chính xác về DN, uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của DN. Đơn cử như: ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; cung cấp hướng dẫn sử dụng, điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành… Ngoài ra, DN không được giả mạo các đánh giá về hàng hóa, dịch vụ hoặc xóa phản hồi tiêu cực của khách hàng (đối với hình thức thương mại trực tuyến); áp dụng các điều khoản và điều kiện mua hàng hóa, dịch vụ phải rõ ràng, công bằng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Về phía người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, người tiêu dùng có quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ…
Theo Sở Công thương, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BVQLNTD, cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và của tỉnh để người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia mua sắm, nhất là trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các DN sản xuất, hệ thống phân phối kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại tri ân người tiêu dùng để thu hút nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm hơn nữa; hỗ trợ bảo hành sản phẩm, tư vấn sử dụng sản phẩm, giảm giá, khuyến mại; các chương trình ký kết, cam kết DN sản xuất, cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các DN qua đó nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân theo đúng các quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: SONG BÌNH