"Khai tử" hóa đơn giấy

Thứ Năm, 31/03/2022, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Từ tháng 4/2022, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT), tiến tới ngừng phát hành hóa đơn giấy. Cục Thuế tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn để giải đáp những thắc mắc của người nộp thuế (NNT) liên quan đến thủ tục, quy định khi chuyển sang HĐĐT.

Đại diện Cục Thuế tỉnh trả lời thắc mắc NNT tại hội nghị trực tuyến tập huấn HĐĐT cho NNT ngày 28/3.
Đại diện Cục Thuế tỉnh trả lời thắc mắc NNT tại hội nghị trực tuyến tập huấn HĐĐT cho NNT ngày 28/3.

Lợi ích kép khi sử dụng HĐĐT

Theo Tổng cục Thuế, từ ngày 1/7/2022, toàn bộ DN, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải xuất HĐĐT.

Để chính thức chuyển sang HĐĐT, Tổng cục Thuế đã chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đã thực hiện từ tháng 11/2021 tại 6 địa phương (gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ); giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 4/2022 tại 57 tỉnh thành còn lại, trong đó có BR-VT.

Như vậy, từ tháng 4 này, NNT phải đăng ký sử dụng HĐĐT theo quy định. Trường hợp chưa đáp ứng ngay điều kiện chuyển sang sử dụng HĐĐT thì chậm nhất đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành. 

Theo Tổng cục Thuế, với HĐĐT, người dân và DN không còn phải mất thời gian, chi phí cho việc in, lưu trữ, kê khai hóa đơn (đặc biệt là khai thuế giá trị gia tăng) do dữ liệu hóa đơn DN sử dụng được kết nối  trực tiếp tới cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Người dân, DN cũng không phải lo lắng về việc mất, hỏng hóa đơn, dễ tra cứu để so sánh nhằm xác nhận hóa đơn trên kho dữ liệu.

Cơ quan thuế và các cơ quan quản lý cũng không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay. Từ đó, góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích; tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.

Sẵn sàng hỗ trợ người nộp thuế 

Báo cáo từ Cục Thuế tỉnh cho biết, tính đến đầu tháng 12/2021, có 8.459 NNT đã sử dụng HĐĐT trong tổng số 10.235 NNT đang sử dụng hóa đơn, đạt tỷ lệ 85%.

Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, nhiều nhất là 3 tháng nữa thì NNT phải chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện việc đăng ký sử dụng HĐĐT; lập, chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế; gửi HĐĐT cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng HĐĐT. “Nếu trong quá trình chuyển đổi sang HĐĐT gặp khó khăn, vướng mắc, NNT liên hệ với ngành Thuế để được hỗ trợ kịp thời”, ông Hưng thông tin.

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn HĐĐT cho NNT ngày 28/3 vừa qua, đại diện Cục Thuế tỉnh đã giải đáp cụ thể, rõ ràng nhiều câu hỏi của NNT liên quan đến các thủ tục, quy định khi chuyển sang HĐĐT. Một trong những thắc mắc mà nhiều DN tham dự hội nghị đề nghị được giải đáp là: khi chuyển sang HĐĐT thì hóa đơn giấy có hủy bỏ không?

Về vấn đề này, đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết, khi hủy hóa đơn giấy, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh phải lập bảng kiểm kê hóa đơn cần hủy; thành lập Hội đồng hủy hóa đơn; ký biên bản hủy hóa đơn. Các thành viên Hội đồng hủy hóa đơn phải ký vào biên bản hủy hóa đơn và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai sót. Hồ sơ hủy hóa đơn được lưu tại tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn. Riêng thông báo kết quả hủy hóa đơn được lập thành 2 bản: 1 bản lưu; 1 bản gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp, chậm nhất không quá 5 ngày kể từ ngày thực hiện hủy hóa đơn. Hình thức hủy như thế nào do NNT lựa chọn.

Ông Lê Xuân Khương, Giám đốc khách hàng DN SME-Viettel BR-VT cho biết, đơn vị hiện đang cung cấp dịch vụ HĐĐT cho các DN trên địa bàn tỉnh. Viettel cũng bố trí nhân sự ở tất cả các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ NNT chuyển đổi HĐĐT.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
;
.