.
HƯỞNG ỨNG NGÀY QUỐC TẾ VỀ RỪNG (NGÀY 21/3)

Rừng là cuộc sống

Cập nhật: 19:49, 20/03/2022 (GMT+7)

Ngày Quốc tế về rừng 21/3, viết tắt là IDF (International Day of Forests) nhằm nâng cao nhận thức của con người về mối liên kết giữa rừng và đời sống, khuyến khích các hoạt động có trách nhiệm phát triển rừng bền vững. 

Đoàn cán bộ, công nhân viên, người lao động UPC nghe thuyết minh các loại cây gỗ quý trong KBT Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.
Đoàn cán bộ, công nhân viên, người lao động UPC nghe thuyết minh các loại cây gỗ quý trong KBT Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

7 giờ 30 phút sáng thứ Bảy (ngày 19/3), 40 cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc tại công ty Cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (UPC) có mặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (sau đây gọi tắt là KBT) để sẵn sàng cho chuyến hành trình về rừng “UPC Trekking năm 2022”.

Không chỉ cùng nhau khám phá hơn 8km đường rừng trong KBT nhiên Bình Châu - Phước Bửu, dịp này, UPC đã trồng 5 cây giáng hương tại khu bảo tồn nhằm hưởng ứng phong trào trồng rừng trong ngày Quốc tế về rừng. Ông Nguyễn Hồng Dương, Trưởng phòng Kế hoạch UPC cho biết, chương trình “UPC Trekking 2022” được tổ chức nhằm rèn luyện sức khỏe, trang bị thêm các kỹ năng sống cho người cán bộ, công nhân viên, lao động của UPC, đặc biệt là các bạn trẻ, qua đó gắn kết thành viên của UPC. Ngoài ra, chương trình cũng có sự tham gia của các thành viên, các em nhỏ đến từ các gia đình người lao động UPC. “Thông qua chương trình này chúng tôi muốn đề cao tinh thần yêu thiên nhiên, lan tỏa thông điệp xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng… để rừng bảo vệ chúng ta”, ông Dương nói.

Dẫn chúng tôi men theo lối mòn đi sâu vào rừng, ông Lê Duy Thu, Trưởng Phòng Giáo dục - Truyền thông môi trường và du lịch sinh thái KBT cho biết, KBT có diện tích hơn 10.000ha nằm ở các xã Bông Trang, Bưng Riềng, Bình Châu, Phước Thuận, Xuyên Mộc và một phần thị trấn Phước Bửu. Trước sự khốc liệt của thời gian, KBT thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đang là khu rừng nguyên sinh ven biển còn lại tương đối nguyên vẹn về hiện trạng duy nhất tại Việt Nam. KBT được chia làm 3 phân khu: Phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt (5.000ha), phân khu phục hồi sinh thái (5.300ha) và phân khu dịch vụ hành chính (63ha). Ưu thế tuyệt đối của khu bảo tồn là rừng cây họ dầu với quy mô lớn, là nơi cư trú, sinh trưởng và phát triển của nhiều loại động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ. Ngoài ra, KBC còn có 730 loại khác nhau thuộc 123 họ, trong đó 732 loài đã xác nhận được chủng loài, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm như: Giáng hương, gõ mật, bình linh nghệ, gõ đỏ, cẩm lai Bà Rịa… Theo khảo sát mới nhất, KBT hiện có 205 loài động vật có xương sống thuộc lớp chim, thú, bò sát và ếch. Số lượng loài trong khu bảo tồn chiếm tới 91% các loài động vật của cả tỉnh BR-VT. Trong đó, KBT đang bảo vệ một số loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam như: rùa núi vàng, gà lôi hông tía, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lớn, cu li nhỏ…“Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu được ví như “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ, hội tụ các lợi thế đa dạng sinh thái hiếm nơi nào có được”, ông Thu cho hay.

Mỗi năm thế giới có hơn 13 triệu ha rừng bị mất, một khu vực rộng bằng cỡ nước Anh. Khi rừng mất đi, thì các loài thực vật và động vật trong quần thể đó cũng theo nhau mất đi. Rừng chứa 80% tất cả các đa dạng sinh học trên cạn. Rừng đóng vai trò hấp thụ khí CO2, trả lại oxy cho sinh giới cũng như giảm hiệu ứng nhà kính do tích tụ CO2 là yếu tố gây ra sự nóng lên toàn cầu. Kết quả phá rừng làm giảm sự hấp thụ CO2 tương đương với lượng khí thải ra của ngành giao thông vận tải toàn cầu.
Hiện nay, rừng còn bao phủ hơn 30% diện tích đất trên thế giới và có hơn 60.000 loài cây. Rừng cung cấp thực phẩm, chất xơ, nước và thuốc men cho khoảng 1,6 tỷ người nghèo nhất thế giới, bao gồm cả người dân bản địa với các nền văn hóa độc đáo.

Thống kê của Sở NN-PTNT cho biết, BR-VT hiện có là 28.377,7ha diện tích rừng trong đó diện tích rừng tự nhiên là 16.307,0ha, diện tích rừng trồng là 12.070,7ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn tính độ che phủ rừng tòa tỉnh là 27.158,5ha tương ứng độ che phủ 13,7%. Để bảo vệ rừng, UBND tỉnh giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp sau khi phê duyệt công bố kết quả hiện trạng rừng cho Chi cục Kiểm lâm thiết lập cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu rừng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững hàng năm; cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo. Tỉnh cũng huy động các nguồn lực xã hội vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.