Giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) thời gian gần đây liên tục tăng cao, nhất là thép. Điều này khiến nhiều DN xây dựng “đứng ngồi không yên”, phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí và huy động thêm vốn đầu tư.
Giá VLXD tăng khiến các DN xây dựng gặp nhiều khó khăn do chi phí bị đội lên. Trong ảnh: Công nhân thi công tại một công trình xây dựng ở TP. Vũng Tàu. |
Tăng 3 lần trong 1 tháng
Khảo sát tại các cửa hàng kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh cuối tuần qua cho thấy, giá thép xây dựng đang tăng dao động ở mức 20.500-21.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, giá các mặt hàng VLXD tăng lên 3 lần với mức tăng khoảng 900 đồng/kg so với trước Tết. Các loại vật liệu ở giai đoạn hoàn thiện công trình cũng tăng 20-30%; gạch 4 lỗ khoảng hơn 1.320 đồng/viên, cát xây 360 ngàn đồng/m3; cát bê tông 390 ngàn đồng/m3; đá 4x6 giá 280 ngàn đồng/m3 (tăng khoảng 100-300 đồng)… Các mặt hàng tôn cuộn, thép ống tăng giá ít hơn nhưng cũng ở mức hơn 500 đồng/kg.
Bà Thúy Ái, chủ cửa hàng VLXD Thẩm (TP. Vũng Tàu) cho biết, giá xăng dầu tăng liên tục từ đầu năm đến nay khiến giá cước vận tải tăng theo nên buộc các cửa hàng phải tăng giá VLXD để bù vào chi phí vận chuyển. “Sắt thép từ nhà máy tăng giá ngay sau khi xăng dầu tăng giá vào ngày 11/2. Mới đây, xăng dầu tiếp tục tăng nên chi phí thuê xe chở VLXD cũng tăng, do đó tôi phải tăng giá mỗi thứ một ít để bù lỗ”, bà Ái chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH TM-DV Ngọc Hạnh cũng cho hay, hiện nay sắt hộp và tôn cuộn giá cũng bắt đầu biến động tăng 500 đồng/kg. Tại công ty, các mặt hàng thép hộp và tôn cuộn nhập giá cũ thì bán giá cũ cho khách, còn khi nào hết hàng cũ nhập hàng mới thì bán theo giá mới.
Theo các DN kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân giá thép cũng như các mặt hàng VLXD tăng là do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép đang tăng trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá thép ngày 7/3 trên thị trường thế giới đã tăng lên mức 5.050 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Thị trường Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico có khả năng phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung và sự chậm trễ trong giao hàng đối với thép và các nguyên liệu thô liên quan. Mặt khác, giá xăng dầu, điện liên tục tăng đã đẩy các chi phí vận chuyển, nhân công tăng theo.
Theo Bộ Xây dựng, do chi phí vật liệu xây dựng chiếm 65-70% giá trị dự toán xây dựng công trình nên việc tăng giá trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng công trình cũng như hiệu quả của các dự án. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung ban hành các quy định pháp luật hoặc hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng. |
Tiết giảm chi phí sản xuất
Chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65-70% dự toán xây dựng công trình, do đó, việc tăng giá vật liệu xây dựng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án. Theo nhiều DN xây dựng, tính đến cuối năm 2021, vật liệu xây dựng đã tăng giá 25% trên tổng mức đầu tư. Đến nay, khi dịch bệnh đang được kiểm soát, các DN xây dựng đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nhân công để kịp hoàn thành công trình theo hợp đồng ký kết thì lại tiếp tục đối mặt với tình trạng giá nguyên vật liệu tăng không ngừng, trong khi DN đã ký hợp đồng tại thời điểm giá thấp.
Ông Đặng Văn Nam, chủ thầu xây dựng tại TP. Vũng Tàu cho hay, từ cuối năm 2021 đến nay, giá VLXD tiếp tục tăng cao khiến các nhà thầu không dám ký các hợp đồng trọn gói (bao VLXD) mà chỉ nhận làm công hoặc đàm phán với chủ đầu tư chia sẻ rủi ro. “Trong năm 2021, giá thép tăng gần 50%, kéo theo các loại VLXD khác tăng theo từ 20% trở lên. Đặc biệt là mỗi lần xăng dầu tăng, tất cả các loại VLXD đều tăng theo khiến nhà thầu phải bỏ tiền túi ra trả lương công nhân vì lỗ vốn”, ông Nam chia sẻ.
Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng DIC Holding (DICcons) cũng cho biết, giá thép hiện biến động tăng khoảng 10%, đây là một trong những khó khăn trở ngại mà DN xây lắp cũng như bất động sản phải đối mặt. Giá nhân công sau dịch cũng tăng cao hơn so với định mức của Nhà nước nên gây ảnh hưởng khá lớn về hiệu quả của nhà thầu. “Để vượt qua khó khăn, các DN phải tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, cân đối nguyên liệu đầu vào, mở rộng thị trường và huy động thêm vốn đầu tư”, ông Thắng bày tỏ.
Bài, ảnh: SONG BÌNH