DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC BIÊN HÒA - VŨNG TÀU (GIAI ĐOẠN 1)

Định tuyến thẳng nhất và hoàn thành ở mức nhanh nhất

Thứ Tư, 02/03/2022, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 1/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm phải hoàn thành các dự án trong nhiệm kỳ này với cam kết mạnh mẽ từ các địa phương.

Cao tốc hoàn thành sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 51 hiện đang quá tải.
Cao tốc hoàn thành sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 51 hiện đang quá tải.

Dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất

Tại cuộc họp trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, về nguyên tắc, Trung ương bố trí 50%, địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự án này, gồm: nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nguồn vốn khác. Việc bố trí vốn phải linh hoạt, sát tình hình, tiến độ và bảo đảm đủ để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này.

Về cơ chế, chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kế thừa các chính sách đã được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép; tiếp tục rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề còn vướng mắc.

Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư, với dự án PPP thì giao địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bộ GT-VT và các bộ, ngành phải giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương. Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẵn sàng nhận và nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ GT-VT đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, dự án, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, “qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi”, qua đó giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chỉ đạo về bố trí, cân đối nguồn vốn; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì chỉ đạo về tiến độ, đôn đốc các cơ quan trình các cấp có thẩm quyền. Các cơ quan, các địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trên tinh thần “làm ngày làm đêm”, vì nhân dân phục vụ, giảm tối đa thủ tục hành chính, các phiền hà không cần thiết, trình các cơ quan có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc.

Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm phải hoàn thành các dự án trong nhiệm kỳ này với cam kết mạnh mẽ từ các địa phương, “nếu đủ vốn mà không hoàn thành là có lỗi với nhân dân, với đất nước”.

Sơ đồ dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Sơ đồ dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Địa phương quyết tâm triển khai

Theo kế hoạch tổng thể được duyệt, dự án dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Để đảm bảo tiến độ triển khai công trình Bộ GT-VT dự kiến chia Dự án thành 3 dự án thành phần. Trong đó Dự án thành phần 1 (Km0-Km16) với chiều dài khoảng 16km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.828 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 (Km16-Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2 km (kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.819 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng.

Theo Bộ GT-VT, 3 dự án thành phần được chuẩn bị và triển khai đầu tư cùng thời điểm, cùng được bố trí vốn để triển khai theo kế hoạch nên sẽ hoàn thành và khai thác đồng bộ toàn tuyến.

Để triển khai dự án theo đúng tiến độ đã đề ra, về phía địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có những bước chuẩn bị để đẩy nhanh tiến độ.

Tại cuộc họp báo cáo Thường trực UBND tỉnh ngày 28/2, ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, Bộ KH-ĐT đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp cho các UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản đối với các đoạn tuyến qua địa bàn để tổ chức triển khai Dự án. Trong đó, UBND tỉnh là cơ quan chủ quản đoạn tuyến 19,5Km trên địa bàn tỉnh. Để góp ý cho dự thảo quyết định này, Sở GT-VT được UBND tỉnh giao chủ trì góp ý và Sở đã có văn bản số 541/SGTVT-BQLBT ngày 23/02/2022 gửi các Sở liên quan góp ý.

Tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021 theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bộ GT-VT cũng đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.
Cụ thể, điểm đầu Dự án tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56 thuộc TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Tổng chiều dài Dự án khoảng 53,7km, trong đó đoạn qua TP. Biên Hòa và huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai): 34,2km; thị xã Phú Mỹ, TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu): 19,5km.
Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. 12.987 tỷ đồng. Sơ bộ, tổng mức đầu tư Dự án (giai đoạn 1) khoảng 17.837 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị là 8.306 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 6.629 tỷ đồng…
Tại tờ trình số 1251, Bộ GT-VT kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư, cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, với nhu cầu sử dụng vốn ước tính khoảng 14.270 tỷ đồng (khoảng 80% tổng mức đầu tư).
Số vốn này đã dự kiến phân bổ khoảng 5.360 tỷ đồng trong tổng số Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GT-VT đã được Quốc hội thông qua; sử dụng khoảng 3.500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Nhà nước của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và kiến nghị bố trí từ nguồn chưa phân bổ và nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của cả nước khoảng 5.410 tỷ đồng.

 

Nói về kế hoạch thực hiện dự án trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết thêm, song song việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công, Ban QLDA 85 - Bộ GT-VT đang tiếp tục tổ chức công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Dự kiến kế hoạch triển khai Dự án trong năm 2022 như sau: Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công; lập, trình phê duyệt: khung chính sách bồi thường và đánh giá tác động môi trường; lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; triển khai một số công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng; triển khai thiết kế kỹ thuật dự án.

Hiện nay, Sở GT-VT tiếp tục phối hợp Bộ GT-VT, Bộ KHĐT trong công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tiếp tục phối hợp Ban QLDA 85 - Bộ GTVT triển khai các công tác: lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; đánh giá tác động môi trường; lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Để chuẩn bị tiếp nhận Dự án, đoạn qua địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai Dự án đúng kế hoạch, UBND tỉnh đang xem xét giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các Ban QLDA trực thuộc UBND tỉnh. Cùng đó, giao UBND TX. Phú Mỹ và UBND TP. Bà Rịa chủ trì, phối hợp chủ đầu tư thực hiện ngay các việc: rà soát quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại địa phương mà Dự án đi qua; tổ chức đo đạc bản đồ địa chính, cắm mốc ranh giải phóng mặt bằng;  tổ chức kiểm đếm kết hợp chụp ảnh, quay phim hiện trạng phạm vi dự án; tổ chức thông tin rộng rãi đến người dân trong khu vực Dự án được biết về chủ trương đầu tư; tổ chức quản lý, ngăn chặn các hành vi làm thay đổi hiện trạng thuộc phạm vi Dự án mà pháp luật không cho phép.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở GT-VT chủ trì bàn giao tim, mốc và các tài liệu liên quan của bước nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho các địa phương và Chủ đầu tư để làm cơ sở thực hiện. Cùng đó, Sở Xây dựng chủ trì tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để sử dụng hiệu quả quỹ đất tại khu vực Dự án đi qua. Đối với Sở TN-MT, UBND tỉnh giao thực hiện ngay các việc chủ trì, phối hợp chủ đầu tư và các địa phương có Dự án đi qua xây dựng dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với thực trạng của địa phương, trình UBND tỉnh để trình Bộ TN-MT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ trì tham mưu UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương liên quan tổ chức thực hiện trước một số việc thuộc công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng, bảo đảm khi Dự án được phê duyệt có thể triển khai ngay công tác đền bù và thu hồi đất.

Bài, ảnh: THÀNH HUY

 
;
.