.
XĂNG DẦU TĂNG GIÁ

Tàu cá nằm bờ, DN vận tải chồng chất khó khăn

Cập nhật: 17:36, 20/02/2022 (GMT+7)

Dù đang là thời điểm mùa đánh bắt đầu năm nhưng hàng loạt tàu cá trên địa bàn tỉnh đang phải nằm bờ, thậm chí nhiều tàu cá đã nằm bờ 3, 4 tháng. Cùng với đó, doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng lao đao khi giá xăng dầu tăng mạnh.

Nhiều tàu cá tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền phải nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao.
Nhiều tàu cá tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền phải nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao.

Khó khăn chồng chất

Có mặt tại bến xe Vũng Tàu sáng 20/2, dù là ngày cuối tuần nhưng các xe xuất bến tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ vài hành khách. Các tuyến còn lại cũng nằm trong tình trạng tương tự.

Ông Đỗ Thành Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Bến xe tỉnh cho biết, hiện nay 80% các tuyến xe đã mở trở lại. Tuy nhiên, lượng khách đi xe rất ít, chỉ khoảng 20-30% so với trước đây. Riêng tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh trước đây rất nhộn nhịp, giờ cũng chỉ hoạt động 50% lượng xe. “Người dân vẫn có tâm lý ngại di chuyển vì sợ ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách rất vắng. Vừa qua giá xăng dầu tăng đã khiến doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh chồng chất khó khăn. Dù xăng tăng giá nhưng đến nay vẫn chưa thấy DN vận tải nào đăng ký tăng giá vé”, ông Nghĩa cho biết.

Nhiều ngư dân tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền gặp khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt khi giá xăng dầu tăng cao.
Nhiều ngư dân tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền gặp khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt khi giá xăng dầu tăng cao.

Là DN có hàng trăm đầu xe chạy tuyến cố định Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Toàn Thắng cho biết, việc xăng dầu tăng giá gây nhiều khó khăn. Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% doanh thu, đến nay xăng dầu tăng mấy đợt liên tiếp khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng. Chi phí nhiên liệu 1 xe chạy 2 chiều tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh khoảng 550 ngàn đồng. Sau các đợt xăng dầu tăng giá vừa qua, chi phí này lên tới 800-900 ngàn đồng. Trong khi, lượng khách đi xe hiện nay sụt giảm nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh.

Còn ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh nhìn nhận, một khó khăn khác với các DN vận tải là họ đã sớm đạt được các hợp đồng vận chuyển với chủ hàng. Ngay cả trong đợt bùng phát dịch COVID-19, DN phải gánh thêm chi phí phòng ,chống dịch nhưng ít có DN vận tải nào nhận được sự thông cảm của các đối tác đã ký hợp đồng vận tải từ trước. Do đó, không dễ gì để DN vận tải có thể cáng đáng nổi chi phí phát sinh thêm từ diễn biến giá xăng dầu. “Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành vận tải hàng hóa, xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít sẽ khiến tỷ lệ này tăng lên khoảng gần 40% giá thành”, ông Trung phân tích.

Giá xăng dầu tăng, DN vận tải muốn cân đối thu chi sẽ phải đưa ra mức giá cước mới phù hợp. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách.

Tương tự như các DN vận tải, từ đầu tháng Chạp tới nay, nhiều tàu đánh bắt hải sản vẫn nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao. Ông Nguyễn Thanh Minh (ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, nghề đánh bắt ngày càng trở nên ảm đạm, đặc biệt là khi giá nhiên liệu ngày một tăng cao. Tàu giã cào đã nằm bờ cả tháng nay, bởi trong năm 2021, mỗi chuyến ra khơi đều lỗ từ 30-40 triệu đồng. Theo tính toán của ông Minh, trung bình mỗi chuyến đi từ 15-20 ngày, chi phí hết khoảng 100-120 triệu đồng, song từ ngày xăng dầu lên, chi phí đã dội lên tận 200 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng hải sản thu về chỉ được khoảng 1 tấn cho mỗi chuyến đi, không đủ để chi phí chứ chưa nói tới lời lãi. “Đợt trước dầu tăng, mỗi chuyến đi của nhà tôi đã lỗ mấy chục triệu, nay lại vừa có đợt tăng nữa, trong khi ngư trường ngày càng cạn kiệt, giá hải sản không tăng, tàu của chúng tôi khó lòng mà ra khơi tiếp. Giờ tàu cứ phải nằm bờ để chờ giá xăng dầu xuống mới dám đi, chứ càng đi càng lỗ chúng tôi không kham nổi”, ông Minh cho hay.

Không riêng gì tàu của gia đình ông Minh, hàng trăm tàu cá tại xã Phước Tỉnh hiện đang phải nằm bờ vì đánh bắt không có lãi. Tàu cá của gia đình ông Nguyễn Văn Tới, cũng đã nằm bờ 3, 4 tháng nay bởi lý do trên. Ông Tới cho hay, với những tàu công suất càng lớn, đi càng dài ngày thua lỗ càng lớn. Riêng trong năm 2021, gia đình ông đã lỗ hàng trăm triệu đồng cho 5 tàu cá đánh bắt xa bờ.

Còn tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, để bảo đảm duy trì việc ra khơi, nhiều ngư dân cũng đang phải tính toán giảm thời gian, số chuyến đánh bắt để tránh thua lỗ. Ông Huỳnh Anh Vũ (ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết, gia đình ông có 7 tàu công suất từ 90-250CV làm nghề bẫy mực. Mấy tháng qua, giá nhiêu liệu liên tục biến động khiến việc ra khơi đánh bắt cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, để duy trì nghề truyền thống của gia đình và giữ chân được bạn tàu ông vẫn phải tiếp tục cho tàu ra khơi dù hầu như các chuyến đều không có lãi. “Giá xăng dầu tăng mạnh khiến dân biển chúng tôi khốn đốn vì chi phí đánh bắt bị đội lên, thu nhập thì giảm sút. Trong khi đó giá hải sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm sâu, giá nhiên liệu tăng cao, gần 19 ngàn đồng/lít nên chi phí mỗi chuyến tàu bị đội lên từ 3-4 triệu đồng với những tàu có công suất nhỏ, còn tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ chi phí đội lên cả chục triệu đồng”, ông Vũ bày tỏ.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh có gần 6.000 tàu cá thì hiện có 10-20% tàu đang nằm bờ. Nguyên nhân tàu nằm bờ nhiều, một phần do ngư trường cạn kiệt, thời điểm này đang là mùa sóng gió nên ngư dân ít ra khơi, nhưng chủ yếu vẫn là giá dầu tăng cao. Bởi chi phí hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân, giá xăng dầu chiếm gần một nửa. Việc giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. Ngoài tiền xăng dầu, chủ tàu còn phải gánh các khoản phí như nhân công, tiền thuê dịch vụ hậu cần nên tại cảng vẫn còn nhiều tàu chưa thể vươn khơi đánh bắt.

Dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng

Tại kỳ điều hành ngày 11/2, xăng E5 RON 92 tăng 976 đồng lên 24.571 đồng/lít, RON 95 tăng 962 đồng đạt 25.322 đồng/lít. Dự kiến giá xăng ngày 21/2 tiếp tục tăng mạnh. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn giá (BOG) và tính theo công thức cũ, giá xăng trong nước vào ngày 21/2 có thể điều chỉnh tăng hơn 1.100 đồng/lít. Giá bán đối với mặt hàng dầu cũng sẽ tăng mức 800-900 đồng/lít. Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể chỉ nhích từ 830-1.000 đồng/lít.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022.

Đối với các chính sách hỗ trợ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế giảm thuế, phí hỗ trợ tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, DN cũng khó thực hiện vì sẽ tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực. Ví dụ nếu giảm mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ (phí BOT) sẽ liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Vì vậy, Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng/lít xăng dầu. Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nên xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Cách này sẽ ít gây xáo trộn tác động dây chuyền đến các lĩnh vực có liên quan.

Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành vận tải hàng hóa, xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít sẽ khiến tỷ lệ này tăng lên khoảng gần 40% giá thành. Trong ảnh: Xe vận tải lưu thông trên Quốc lộ 51.
Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành vận tải hàng hóa, xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít sẽ khiến tỷ lệ này tăng lên khoảng gần 40% giá thành. Trong ảnh: Xe vận tải lưu thông trên Quốc lộ 51.

Được biết, để giảm bớt khó khăn cho DN trong đó có DN vận tải theo Nghị định 15 của Chính phủ, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế giá trị gia tăng VAT 10% sẽ được giảm 2% trong năm 2022. Tuy nhiên, các DN vận tải cho rằng, chính sách giảm thuế VAT không có tác động nhiều tới lĩnh vực này. Mức điều chỉnh đối với hoạt động vận tải trong thời điểm này, không hỗ trợ được gì. Không có doanh thu, không có cái để tính. Lượng thay đổi của mức thuế 2% không can thiệp được vào vấn đề điều chỉnh giá cước, không đủ sức để tác động đến cơ cấu giá thành, không mang lại lợi ích cho cả hành khách đi xe và doanh nghiệp vận tải.

Bài, ảnh: HUỲNH PHÚC

.
.
.