Thực hiện giảm thuế GTGT xuống 8% như thế nào?
Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022.
Nhóm hàng hóa, dịch vụ nào được giảm thuế; mức giảm thuế ra sao đang là vấn đề được các doanh nghiệp (DN) quan tâm. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bà Rịa- Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.
Ông Hưng cho biết, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Nhóm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhóm công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin… Còn lại các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đều được giảm thuế GTGT.
* Phóng viên: Như vậy, mức giảm thuế GTGT được tính như nào, thưa ông?
- Ông Trần Quang Hưng: Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng như sau: Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định trên.
Nghị định 15/2022/NĐ-CP nêu rõ cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTG thì không được giảm thuế GTGT.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót. Đồng thời, người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết (nếu có) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2% thuế suất thuế GTGT hoặc giá đã giảm 20% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.
Dịch vụ ăn uống là nhóm hàng được giảm thuế GTGT về mức 8%. Trong ảnh: Du khách ăn uống tại quán Cô Ba Vũng Tàu. |
* Theo ông, những chính sách này sẽ tác động như thế nào đối với DN và người dân?
- Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp DN, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời, có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư… Qua đó, góp phần vào việc khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
* Ngành thuế BR-VT sẽ tuyên truyền và triển khai như thế nào để DN và người dân hưởng lợi từ chính sách mới ngay từ khi có hiệu lực, thưa ông?
- Từ khi chính sách hỗ trợ được Quốc hội, Chính phủ ban hành, Cục Thuế đã thực hiện triển khai bằng nhiều hình thức đến DN, người dân như: đăng tải thông tin trên website của Cục Thuế, đặc biệt chúng tôi đã triển khai thông báo đến từng người nộp thuế với mong muốn hỗ trợ người nộp thuế tiếp cận và thực hiện có hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
PHAN HÀ
(Thực hiện)